Cảm nhận về sách Sapiens

Gần đây GS sử học Harari nổi lên như một hiện tượng. Các tác phẩm của ông như Sapiens: Lược sử loài người, Homodeus (người thần thánh), 21 bài học cho thế kỷ 21 được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và xuất bản toàn cầu.
                                         

Điều gì đã làm nên hiện tượng này? Trong bài phỏng vấn của tạp chí Times, ông khiêm tốn nói rằng ông chỉ biết có mỗi viết sách, còn sự nổi tiếng đó là do cả một tập thể, đội ngũ Marketing, PR, truyền thông đằng sau ông làm nên. Tuy nhiên, nếu bạn đã đọc Sapiens thì khó có thể dừng lại vì cách kể chuyện lôi cuốn của ông.

Quyển sách chia làm 4 phần: 1) Cách mạng nhận thức, 2) Cách mạng nông nghiệp, 3) Sự thống nhất của loài người, 4) Cách mạng khoa học

Con người luôn không ngừng tò mò về nguồn gốc lịch sử của mình, chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Tác giả đã dày công tìm hiểu các dữ liệu về nguồn gốc loài người từ hàng triệu năm trước qua các hóa thạch và qua các di sản văn hóa, khảo cổ học tìm được của loài người hiện đại cách đây 6000-7000 năm. Trong đó, Harari đã chỉ ra rằng, loài người không chỉ có một, chẳng hạn như Homo Neanderthalenssi, Homo Erectus, Homo Soloensis, Homo Floresiensis, Homo denisova, Homo rudolfensis, Homo ergaster,... và Homo sapiens-được xem là thủy tổ của loài người hiện đại ngày nay.

Điều thứ 1, Homosapiens là loài người không phải nhỏ bé, nhưng cũng quá to lớn, thế thì tại sao họ có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay, trong khi tất cả các loài Homo khác đều đã bị diệt vong? Theo Harari, mấu chốt của vấn đề là Homosapiens có hệ thống ngôn ngữ cực kỳ phát triển và có thể diễn đạt được nhiều thông tin hơn là những tiếng kêu riêng lẻ.

Về mặt sinh học, thì não bộ của loài homosapiens rất phát triển: bộ não chiếm đến 2-3% trọng lượng cơ thể nhưng lại sử dụng đến 25% năng lượng của cơ thể. Nhưng cũng chính vì điều đó, loài homo sapiens phải hy sinh sức mạnh cơ bắp. Harari so sánh: một con tinh tinh không thể giành chiến thắng khi tranh luận với homo sapiens, nhưng một con vượn có thể xé xác bạn giống như một con búp bê vải.

Điều thứ 2 mà ông lý giải là vì sao loài homo sapiens lại phát triển vượt bực như vậy đó là khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin, truyền thông tin lại cho các thế hệ tiếp theo, và khả năng phối hợp. Loài homo sapiens đã biết cách cùng nhau săn bắn những loài thú lớn hơn mình rất nhiều lần. Đồng thời đã biết cách tổ chức thành bầy đàn, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ. Đặc biệt khả năng truyền đạt lại tri thức cho thế hệ sau giúp tăng khả năng sinh tồn và thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Loài động vật có khi phải mất cả triệu năm để biến đổi Gen, chọn lọc tự nhiên để tồn tại trong môi trường mới. Trong khi sapiens có thể chỉ dạy cho nhau, ghi lại thông tin để truyền cho đời sau, hoặc sáng tạo ra công cụ để thích nghi.

Đọc đến Phần 3, mình đặc biệt thích chương 11: Những tầm nhìn đế quốc.

Thật thú vị khi ông ghi nhận công lao của các đế quốc trong lịch sử văn hóa loài người. Đặc biệt khi nghiên cứu về CNTT, ánh xạ với những điều tác giả viết về các đế quốc, ta thấy có một sự trùng hợp kỳ lạ. Chúng ta thấy hiện nay xuất hiện thêm những đế chế công nghệ, đang góp phần thống trị và chi phối thế giới. Nhưng cũng đồng quan điểm với ông, là các đế chế cũng có công lao đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật, tri thức, văn hóa của loài người.

Thế nào là một đế quốc hay đế chế được dịch từ cùng 1 từ empire: là một trật tự chính trị có 2 đặc trưng quan trọng: 1) phải cai trị một lượng đáng kể những dân tộc khác biệt, mỗi dân tộc sở hữu một bản sắc văn hóa riêng biệt và có một lãnh thổ riêng biệt ; 2) các đế quốc được đặc trưng bởi đường biên giới linh hoạt và một tham vọng vô cùng tận (Sách dịch, trang 238-239).

Sự đa dạng văn hóa và tính linh động lãnh thổ không chỉ đặc trưng độc đáo mà chúng còn đóng vai trò trung tâm trong lịch sự của các đế quốc. Chính nhờ vào 2 đặc điểm này, các đế quốc đã thành công trong việc thống nhất những nhóm sắc tộc và vùng sinh thái đa dạng dưới 1 cây dù chính trị duy nhất, từ đó gắn kết ngày càng nhiều các bộ phận chủng người và hành tinh trái đất.

Một đế quốc không nhất thiết phải nổi lên từ việc chinh phạt bằng quân sự. Cũng không nhất thiết phải được cai trị bởi 1 hoàng đế chuyên quyền

Diện tích cũng không thực sự quan trọng. Điều này không có nghĩa rằng những đế quốc không để lại điều gì có giá trị. Chối bỏ toàn bộ di sản của đế quốc là vứt bỏ hầu hết văn minh loài người.

Bây giờ, nhìn về khía cạnh công nghệ, khoa học kỹ thuật. Chúng ta thấy có nhiều "đế quốc mới" kiểu mới chiếm lĩnh những mảng khác nhau và trải qua nhiều quốc gia. Ví dụ như nói về hàng không, có 2 đế chế lớn là Airbus, Boeing. Họ có lực lượng lao động khổng lồ trải dài khắp các châu lục. Hơn nữa, họ cũng có vô số đối tác cùng gia công, đóng góp vào chuỗi giá trị của ngành hàng không. Xét về mặt tích cực, các hãng này đang đóng góp cho loài người những sản phẩm giao thông vận tải tuyệt vời. Xét một khía cạnh nào đó, Airbus hay Boeing xứng đáng là một đế chế tầm cỡ toàn cầu.

Các bạn trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể nhận ra xung quanh mình có những "đế quốc mới" đang tồn tại và phát triển mạnh mẽ: như các ngân hàng đa quốc gia, các công ty CNTT toàn cầu Google, Microsoft, Apple, Oracle,… hay trong lĩnh vực ẩm thực: KFC, McDonald, Coca-cola…nó thỏa mãn các tiêu chí của 1 đế chế.

Các bạn hoàn toàn có thể tự tìm cho mình nhiều hơn 1 ví dụ tiêu biểu về 1 đế quốc mới trong lĩnh vực mà bạn đang làm việc, đang quan tâm.

Tuy nhiên, tôi thích nhìn về mặt tích cực của các "đế quốc mới" này đó là họ thực sự mang lại nhiều giá trị cho thế giới, cho người sử dụng. Giả sử nếu không có những dịch vụ họ đưa ra, chúng ta tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin, cũng như giao tiếp sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nói như thế không có nghĩa là thế giới này đã an bài, chúng ta còn rất nhiều chỗ cho sự sáng tạo. Những mô hình kinh doanh mới ra đời, những phát minh mang tiếng đột phá có thể làm sụp đổ cả 1 đế chế nếu như họ không kịp thay đổi so với sự phát triển. Nokia là 1 ví dụ điển hình cho đế chế điện thoại di động bị sụp đổ do không kịp đổi mới hoặc do công nghệ phát triển quá nhanh.

Các bạn cũng có thể tự tìm cho mình những ví dụ về các đế chế mới lên đang đe dọa sự tồn vong của những đế chế truyền thống. Gợi ý: Uber, Grab,...còn nhiều lắm các bạn à.

Lịch sử đôi khi không có chỗ cho sự công bằng. Chúng ta yêu mến những sản phẩm tốt nhưng công ty không bán được hàng, không có tiền trả lương cho nhân viên, thì lại không có sản phẩm tốt. Vòng xoáy đó sẽ đã kéo sụp nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Với sinh viên ở giai đoạn học tập, tích lũy kinh nghiệm thì các bạn phải không ngừng học hỏi để hiểu rõ cách thức vận hành của “đế chế” mà mình đang dấn thân vào để đóng góp một phần công sức cho chuỗi giá trị đó để có thể tồn tại. Song song đó, các bạn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có thể cải tiến hoặc mang lại giá trị mới hơn cho đế chế đó thì lúc này bạn sẽ phát triển lên 1 tầm cao mới.

Chúc các bạn một tuần làm việc tràn đầy năng lượng để rèn luyện để luôn sẵn sàng chào đón tương lai!





Nhận xét