Học làm người: chìa khóa để thành công!

Thân chào các bạn học sinh, sinh viên,

Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi vô cùng nhanh chóng, đầy những bất ngờ. Biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh đã không còn là chuyện ở đâu xa vời nữa, nó đang diễn ra ngay cạnh chúng ta, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Về mặt khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp hay sự phát triển của công nghệ đã và đang làm thay đổi gần như là đột phá về mọi mặt. Do đó, để thành công trong cuộc sống đầy thay đổi, ta cần phải làm gì, học nghề gì? 

Bản chất của thành công và thất bại nó không nằm ở nghề, mà nằm ở chính con người hành nghề đó. Sau nhiều năm đi dạy học, đọc sách, nghiên cứu, cũng như trải nghiệm trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng cái đầu tiên các bạn cần phải học đó là học làm người. Nhưng đây không phải một con người bình thường, mà là con người với thân, tâm, và ý luôn được rèn luyện mài dũa hằng ngày. Thế thì ta rèn luyện những đức tính gì để thành công?

Đầu tiên, đó là
  1. Tình yêu & Lòng biết ơn
Tình yêu là một món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Có thể nói tình yêu là đề tài không bao giờ cũ, đã, đang và sẽ được loài người ca tụng mãi mãi. Đặc biệt đối với các bạn trẻ đang độ tuổi thanh xuân, thì tình yêu lại càng là một đề tài vô cùng hấp dẫn. Thế thì tình yêu là gì? Theo Wikipedia, Tình yêu, là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. [1]

Theo định nghĩa trên, Tình yêu không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ. Mà nó bao gồm cả tình yêu cha mẹ, gia đình, yêu những người thân và trên hết là tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu nhân loại, tình yêu tôn giáo hay tâm linh, yêu cả vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó, và yêu chính bản thân mình. Nơi nào có con người, ở đó có tình yêu.

Song song với tình yêu, chúng ta hãy rèn luyện lòng biết ơn. Vì sao vậy? Xác suất của mỗi chúng ta được sinh ra trong cõi đời này thật vô cùng nhỏ bé. Hãy biết ơn Trời/Phật/Chúa (tùy vào đức tin, tôn giáo của bạn) đã tạo duyên lành để cho chúng ta có mặt trên cuộc đời này. Biết ơn cha mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng cho ta ăn học để có được ngày hôm nay. Chúng ta hãy luôn biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, truyền cho ta kiến thức, phương pháp giải quyết vấn đề và kinh nghiệm sống. Chúng ta hãy biết ơn những cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, công ty, đã cưu mang, đào tạo ta từ những lúc chập chững vào nghề, cho đến khi có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn lẫn trong cuộc sống. Hãy biết ơn các đồng nghiệp, các bậc thầy, các bậc đàn anh đã chỉ bảo cho chúng ta những kinh nghiệm trong học thuật, trong nghệ thuật, và các lĩnh vực mà ta quan tâm.

Xa hơn nữa, đó là biết ơn quốc gia, dân tộc vì chúng ta may mắn được sinh ra trong cuộc đời này, sống trong thời đại này, dù cho nó không hoàn hảo, nhưng ít ra chúng ta không có nghe tiếng bom rơi, đạn nổ. Thật sự không có quốc gia hay xã hội nào hoàn hảo cả. Rồi sẽ có một ngày các bạn được đi xa, rất xa, xa quê hương xứ sở của mình để đến những quốc gia phát triển khác để học tập, làm việc, hay thậm chí định cư để gắn bó lâu dài với nơi đó. Lúc đó, các bạn sẽ có dịp nhìn lại và có những nhận định cho riêng mình.



Nếu chúng ta có tình yêu chân thật và lòng biết ơn sâu sắc về quê hương về cội nguồn chúng ta thì các bạn sẽ càng thấy đất nước ta cũng thật đáng yêu, thật thân thương và mong muốn đóng góp chút gì đó để cho nó càng tốt hơn, càng tươi đẹp hơn. Tuyệt đối tránh lối suy nghĩ chê bai tiêu cực chỉ trích lại quê hương mình, thay vào đó, hãy nghĩ cách để làm cho nó tốt đẹp hơn bằng con tim và khối óc của mình.

“If you don’t like something, change it. If you can’t change it, change your attitude. Don’t complain.” Maya Angelou

Chúng ta sống trong xã hội loài người trong đó tình yêu và lòng biết ơn luôn được đánh giá cao. Không ai thích chơi với người không biết yêu và vô ơn cả các bạn ạ!

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Cho ta một ngày mới để yêu thương

Đức tính thứ 2:
  1. Integrity – Tính chính trực
Hơn 2500 năm trước, Khổng Tử cũng từng dạy học trò: “Con người sống phải chính trực, sống không chính trực chỉ là may mắn chưa bị tai họa mà thôi”.

Thế thì chính trực là gì? Vì sao nó lại quan trọng? Tính chính trực là tuân thủ kiên định theo một nguyên tắc đạo đức hay phẩm hạnh nghiêm ngặt không khiếm khuyết, trọn vẹn và không bị tách rời [Wikipedia].

Bàn về tính chính trực, đó là bàn về một phạm trù đạo đức và xây dựng nhân cách một con người. Những biểu hiện cơ bản của một người chính trực là trung thực: trung thực trước hết với chính bản thân mình, với bạn bè, với đồng nghiệp. Vì trung thực, bạn không cần phải lo nghĩ đến việc phải chống chế thế nào khi sự việc vỡ lỡ. Trung thực sẽ giúp bạn tạo được niềm tin của đồng nghiệp và mọi người. Bạn không cần phải quá giỏi, nhưng bạn phải trung thực.
Là sinh viên, trung thực trước tiên là trong học hành, thi cử, làm bài bằng sức của mình. Khi làm bài tập nhóm chung với nhiều người, hãy tích cực đóng góp, không lợi dụng sức của người khác để “ăn điểm ké”, đã nhận trách nhiệm làm bài tập thì phải cùng đóng góp, và đặc biệt khi gặp khó khăn phải báo ngay cho cả nhóm biết để cùng giải quyết. Tuyệt đối không để đợi đến deadline rồi mới tìm lý do để đổ thừa tại cái này, tại cái kia. Lúc đó cho dù bạn có bất kỳ lý do gì dù hợp lý đến mấy cũng đã trễ deadline và ảnh hưởng đến cả nhóm.

- Nhất quán:không có mâu thuẫn hoặc thiếu nhất quán trong suy nghĩ và hành động. Hay nói một cách bình dân là nói đi đôi với làm.
- Khiêm tốn học hỏi và luôn tôn trọng người khác: người chính trực không bao giờ cho mình là biết hết mọi thứ hay tranh công trạng hoặc đổ lỗi cho người khác. Đặc biệt là luôn biết ghi nhận công sức đóng góp của người khác. Người chính trực luôn tôn trọng ý kiến của người khác, tôn trọng thời gian, sự riêng tư của người khác. Hãy học cách cảm ơn và xin lỗi đúng lúc.

- Không màng danh lợi, không ngại khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân đó cũng là những biểu hiện của con người chính trực.

Tính chính trực không phải tự nhiên mà có, nó là một quá trình rèn luyện lâu dài, thường xuyên liên tục. Không phải ngẫu nhiên mà người Phương Tây xem tính chính trực được xem là đức tính cơ bản của tinh thần quý tộc.

Đức tính thứ 3
  1. Kỷ luật & Kiên cường
Kỷ luật là sự rèn luyện đặc biệt về tinh thần và tính cách nhằm tạo ra sự tự chủ, phục tùng. Kỷ luật giúp đào tạo con người, nhờ có kỷ luật năng lực con người được tập trung để hướng đến một mục tiêu, nhờ đó ta có thể đi tới chỗ thành công [Wikipedia]. Khi nói đến kỷ luật, người ta thường nghĩ đến những nguyên tắc cứng nhắc, gò bó mà buộc chúng ta phải tuân theo. Một xã hội hay một quốc gia, nếu mọi người đều có kỷ luật, luôn tuân thủ những nguyên tắc được đề ra (pháp luật, luật giao thông, quy tắc ứng xử,…) thì xã hội đó sẽ rất phát triển, quốc gia đó sẽ rất phát triển. Thật sự, khi bạn thực hành kỷ luật, bạn sẽ có tự do!


thể nói không ai thành công mà không có kỷ luật. Tuy nhiên, có 1 đức tính kỷ luật khó đạt được nhất đó là kỷ luật tự giác (self-discipline). Vì sao vậy? Vì nó nằm trong chính bản thân chúng ta, và chúng ta thường dễ dãi với bản thân. Những tâm lý trì hoãn, hay bỏ qua như: ừ thôi “để mai tính”, có ai để ý đâu, dự tính hôm nay sáng 5h dậy chạy bộ 5km, nhưng đồng hồ báo thức đã reng bạn lại tắt đi và ngủ nướng thêm chút xíu nữa, thế là chút xíu đã thành 7h sáng mất tiêu. Hoặc nếu có dậy chạy được đúng giờ đi nữa, nhưng chạy mới 1-2 km là đã thấy nản, thôi mệt rồi, mai ráng chút xíu chạy bù lại, hôm nay vậy là được rồi :-) Người kiên cường là người chiến thắng được chính bản thân mình!

Kỷ luật tự giác đến từ những điều nhỏ nhặt nhất: thức dậy đúng giờ, tập thể dục đúng giờ, hay gấp chăn màn mỗi khi ra khỏi giường. Bạn tập thể dục “cấp tốc” 8h trong một ngày sẽ không bao giờ giảm cân như mong muốn và có sức khỏe tốt bằng việc mỗi ngày dành 30 phút tập thể dục, đều đặn trong 1 tháng và vẫn tiếp tục duy trì [2], hay “bạn không thể làm điều vĩ đại được nếu bạn không làm được những điều nhỏ một cách đúng đắn, hãy bắt đầu bằng việc dọn giường của bạn[3]

Đặc biệt hãy đặt tinh thần chiến thắng bản thân lên trên hết. Hãy rèn luyện để mình tăng nội lực của mình lên, không phải rèn luyện để chiến thắng người khác. Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng với những luật chơi liên tiếp bị thay đổi hoặc luật chơi mới ra đời. Nếu ta không tiếp tục rèn luyện, thích nghi thì sẽ rất sớm bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Resilient - tính kiên cường là một đức tính tối cần thiết trong cuộc sống nhưng cũng khó rèn luyện đối với người trẻ. Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng thuận lợi, chúng ta không phải lúc nào cũng thành công hay chiến thắng. Người kiên cường là người biết vượt qua những thất bại để tiếp tục cất bước trên con đường đã lựa chọn. Nếu thất bại một vài lần mà bỏ cuộc, thì bạn sẽ thật sự thất bại. Ngôi sao bóng rổ Mỹ, Michael Jordan, đã từng nói: “I've failed over and over and over again in my life and that is why I succeed”.

Là sinh viên, có thể bạn trượt một vài kỳ thi, mất việc, thất bại trong tình yêu, và có những sự mất mát khác. Tuyệt đối không vì những thất bại, những điều không như ý trong cuộc sống mà ta buông xuôi, bỏ cuộc, hay có lối sống tiêu cực, tự hủy hoại bản thân. Hãy nhớ rằng, không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách! Khi mọi việc đổ vỡ, đừng đổ vỡ theo nó, nếu bạn có thể nhìn lên, bạn có thể đứng lên mà đi tiếp con đường của mình.

When things go wrong, don't go with them”. 
[Les Brown]

Một trong những môn thể thao rèn luyện tính kỷ luật và kiên cường tốt nhất đó là chạy bộ. Nếu bạn đặt mục tiêu cho bản thân là thức dậy 5:00am mỗi ngày để chạy 5km và thực hiện liên tục điều đó trong 21 ngày liên tục. Nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ tạo được thói quen tốt “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Một khi bạn đã tạo được thói quen chạy bộ mỗi ngày, hãy tăng dần độ khó và tham dự các giải thi đấu với các cự ly nâng dần lên 10km, 21km, và Marathon (42km). Bạn sẽ khám phá được một chân trời của chính bản thân mình mà trước đây mình không phát hiện ra. Bạn có để ý hầu hết các CEO của các tập đoàn lớn, công ty lớn đều dành thời gian cho chạy bộ, và thường họ cũng là những tay chạy cừ khôi. Vì áp lực công việc của các CEO rất lớn, nếu không có thể lực và sự kiên cường thì khó có thể vượt qua. Chạy bộ không chỉ rèn cơ bắp, mà còn rèn ý chí nữa.




  1. Không ngừng phát triển bản thân

Đời người ngắn lắm các bạn ạ. Con người là loài đặc biệt trên trái đất này về mặt thể chất rất yếu ớt, từ khi sinh ra đến cả năm trời sau mới biết đi, lại mất tiếp 15-25 năm để học hành hòa nhập với đời để đi làm việc, bắt đầu xây dựng sự nghiệp (3 năm nhà trẻ, 12 năm phổ thông, 4-5 năm đại học, nếu bạn có mộng học lên cao thì tốn thêm 3 năm thạc sỹ, 5 năm TS). Và tiếp sau đó là lao vào cuộc sống mưu sinh 30-40 năm sự nghiệp thoáng cái đã 60++ tuổi về hưu. Nếu may mắn bạn sẽ sống đến 80++ tuổi nhưng những năm cuối đời thì phải đối diện với bệnh tật, sa sút về trí tuệ và vô vàn khó khăn khác do tuổi tác mang lại.

Do đó việc lên kế hoạch cuộc đời là một điều quan trọng tối cần thiết. Cựu thủ tướng Anh, Winston Churchill đã nói “Failed to plan is planing to fail” mà chúng ta đều chỉ có một cuộc đời, nếu plan sai, thì có thể khó có thể có cơ hội sửa chữa.

Theo quan điểm truyền thống Á Đông, cuộc đời người chia thành 6 giai đoạn
Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, nghĩa là Mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự lập, bốn mươi tuổi mới thấu hiểu hết sự lý trong thiên hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến thức và kinh nghiệm hoàn hảo để có thể phán đoán ngay được mọi sự lý trong trời đất và con người mà không thấy có điều gì chướng ngại khi nghe được và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn khổ của pháp lý và đạo lý. [4]

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi mọi thứ biến đổi quá nhanh, đầy yếu tố bất ngờ, các bạn thanh niên cần phải rèn luyện và phát triển bản thân ở nhiều khía cạnh:

- Sức khỏe: khi có sức khỏe, ta có thể mơ ước về mọi thứ. Khi bị bệnh, ta chỉ mơ ước 1 thứ duy nhất: là mau chóng khỏe lại. Không có sức khỏe là không có gì hết. Do đó, tuổi trẻ hãy rèn luyện thể thao để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. Các bạn hãy chọn cho mình một môn thể thao yêu thích mà rèn luyện, phải thiết lập mục tiêu cho sự rèn luyện đó. Hãy lấy câu này làm kim chỉ nam để rèn luyện:
Một trí tuệ minh mẫn trong một thân thể cường tráng.

- Kiến thức: Trong xã hội mà khoa học kỹ thuật, tri thức nhân loại phát triển như vũ bão. Nếu chúng ta ngưng học tập là sẽ bị lạc hậu và bị đào thải. Hãy rèn luyện cho mình phương pháp tự học hiệu quả để tiếp thu tri thức mới. Việc học ở trường, lớp chỉ là 1 thời gian rất ngắn, học tập suốt đời mới là chìa khóa giúp các bạn vững tiến vào tương lai.

- Trình độ học vấn: trong xã hội hiện đại và có những nguyên tắc, thứ bậc, xếp hạng, thì trình độ học vấn cũng là một điều kiện cần. Nói một cách nôm na là kiến thức của bạn được ghi nhận bằng một tấm bằng. Vì sao cần bằng cấp, vì trong các nghề nghiệp khác nhau (thường là khá phức tạp), cần có những người có kiến thức nhất định để có thể làm việc trong lĩnh vực đó. Vì nếu không có kiến thức trong lĩnh vực đó mà bạn vào làm sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn và những người khác. Bằng cấp là 1 tờ giấy xác nhận/thông hành cho phép bạn hành nghề đó và chứng tỏ là bạn đạt năng lực nhất định mới có được tờ giấy đó. Tấm bằng giống như một minh chứng niềm tin về việc bạn đã đạt được trình độ ghi trong đó. Đặc biệt, tấm bằng còn có giá trị để xếp lương tương xứng với công sức bạn đã bỏ ra để có nó.

Là người trẻ, cần có kế hoạch cụ thể để đạt được những trình độ học vấn phù hợp theo định hướng nghề nghiệp của mình. Nếu bạn chỉ đặt mục tiêu là học xong ĐH để đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình thì kế hoạch khác. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm 1 nhà khoa học, có bằng Tiến sỹ để làm nghiên cứu, giảng dạy thì kế hoạch phải tính kỹ hơn, và đặc biệt là giữa Nam và Nữ cần có kế hoạch khác nhau. Vì sao? Nó liên quan đến việc lập gia đình và có con.

Mỗi người ai cũng có 24h/ngày như nhau. Nếu bạn trên 30 tuổi, có gia đình, có con cái, thì thời gian dành cho việc học tập nghiên cứu sẽ bị chi phối rất nhiều. Chưa kể những mối quan hệ xã hội khác: liên hoan, tiệc tùng, cưới hỏi, sự kiện,… nó sẽ ăn dần vào quỹ thời gian của bạn khiến mục tiêu lớn không đủ thời gian để hoàn thành. Hãy lưu ý, sắp xếp những việc lớn trong đời mình để thực hiện cho tốt. Việc sắp xếp sai trình tự đôi khi sẽ trả giá rất đắt. Vì thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được.

- Thái độ: Rèn luyện, tu dưỡng thái độ là yếu tố dẫn đến thành công trong cuộc sống. Hầu hết các nhà tuyển dụng đánh giá thái độ quan trọng hơn trình độ. Một con người có thái độ sống tích cực, thái độ làm việc tích cực sẽ luôn được trọng dụng.

- Gia đình: gia đình bao gồm gia đình lớn và gia đình nhỏ của các bạn. Là sinh viên, đa phần chúng ta sống trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình. Do đó hãy luôn quan tâm chăm sóc đến những người thân của mình. Có thể bạn đi học xa nhà, nhưng việc gọi điện thăm hỏi thường xuyên cũng thể hiện tình yêu thương đối với gia đình. Hãy luôn nhớ rằng, khi bạn thất bại, hay mắc lỗi lầm gì dù to lớn đến đâu, gia đình bố mẹ vẫn là nơi an toàn nhất để trở về, để được chở che. Nó liên quan đến chủ đề tình yêu và lòng biết ơn tôi đã đề cập từ đầu.

Thế thì gia đình nhỏ ở đâu? Các bạn sinh viên là những thanh niên 18-20++, độ tuổi mà tình yêu đến như một món quà vô cũng đẹp đẽ. Một ngày nào đó các bạn sẽ lớn khôn và lập gia đình. Đó cũng là điều mong ước của bao bậc cha mẹ. Tuy nhiên, ở độ tuổi này vẫn còn những bốc đồng, ngây thơ của tuổi trẻ nếu không có sự định hướng từ những người đi trước thì các bạn trẻ dễ bị lạc lối.

Việc lập gia đình với người phù hợp, không chỉ mang hạnh phúc cho riêng bạn, xa hơn nữa là con cháu của các bạn sau này, hay thậm chí là cả gia tộc mình. Do đó hãy hết sức thận trọng trong quyết định này của bạn. Người có thể cho bạn lời khuyên sát nhất chính là bố mẹ, người thân trong gia đình mình vì đó là những người hiểu bạn nhiều nhất. Do đó, đừng ngại tâm sự với gia đình về việc này.


Hãy nhớ rằng, bạn sẽ rất khó có thể thành công nếu không có một gia đình hạnh phúc.

- Hãy sống có mục đích: một người thành công trong cuộc sống là người có mục tiêu để hướng tới. Trong cuộc sống, chúng ta có những mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn, thậm chí là mục tiêu của cuộc đời. Bạn sẽ không đi tới đâu nếu bạn không có mục tiêu để nhắm đến. Còn là sinh viên, mục tiêu của bạn có thể là tốt nghiệp đúng hạn trong 3-4 năm để ra trường đi làm. Xa hơn nữa, có thể mục tiêu sẽ trở thành một CEO tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Hay mục tiêu đơn giản có thể là: đào tạo nhiều thế hệ cử nhân/kỹ sư trẻ có kiến thức, có tâm, và có tầm để đóng góp có ích cho đời.

Mục tiêu phải đủ lớn để làm động lực thôi thúc ta theo đuổi. Khi hoàn thành mục tiêu lớn thì vô vàn mục tiêu nhỏ sẽ được hoàn thành theo. Tránh lập ra những mục tiêu quá dễ đạt được thì ta sẽ trở nên vụn vặt. Tuy mục tiêu lớn, nhưng phải có khả năng đạt được, nếu ta thiết lập mục tiêu quá vĩ đại, mơ hồ thì nó chỉ là mơ ước viễn vông. Mục tiêu muốn đạt được thì phải cụ thể và có thời gian (deadline). Nếu mục tiêu quá chung chung thì sẽ khó có thể đo đạc được và nếu không có deadline thì mục tiêu sẽ không bao giờ đạt được.

Bạn hãy viết ra các mục tiêu đó trên giấy, đừng lưu trong điện thoại, hay máy tính. Nếu không viết ra được mục tiêu thì bạn sẽ không đạt được đâu, nó vẫn mãi là trí tưởng tượng mà thôi. [5]

- Hãy dành thời gian cho nghệ thuật: có thể nói nghệ thuật là một phần không thể thiếu của văn minh nhân loại. Các bạn có thể không cần phải là nghệ sỹ, nhưng việc thưởng thức nghệ thuật cũng rất cần thiết. Nó làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thú vị hơn, cân bằng hơn. Khi bạn buồn, stress, một điệu nhạc hay, một bức ảnh đẹp hay một cuốn phim hay cũng sẽ là liều thuốc an thần tuyệt diệu để giúp ta vượt qua khó khăn.

- Hãy đọc sách, đọc nhiều sách: sách là một kho tri thức vô tận của loài người. Sách đúc kết kinh nghiệm và những bài học của cả đời tác giả. Người đọc nhiều sách vô hình chung được sống nhiều cuộc đời khác nhau, học hỏi được nhiều bài học, tránh được những sai lầm của tác giả và tiết kiệm được rất nhiều thời gian mò mẫm tìm tòi. Không ai thành công mà không đọc sách cả. Do đó hãy tăng cường đọc sách.


- Hãy quan tâm đến tiền bạc: bản thân tiền bạc không xấu, không có tiền mới là nguồn gốc để nảy sinh nhiều việc xấu. Tiền bạc tuy không mang lại hạnh phúc, nhưng sống trong xã hội hiện đại, nếu không có tiền bạn sẽ khó hạnh phúc được. Người Do Thái dạy con cái có hiểu biết về tiền từ bé, do đó họ có những doanh nhân rất thành đạt. Kể cả khi là nhà khoa học thành công, họ cũng thường là những người giàu có.

Tuy nhiên, không phải học cách kiếm tiền bằng mọi giá. Các bạn sinh viên có may mắn được ăn học trong một môi trường thanh bình, được che chở, bảo vệ thì hãy sử dụng những kiến thức mình học được để tạo ra giá trị thặng dư, tạo ra khả năng “scale-up” lên rất cao. Khi đó, tiền bạc sẽ đến như là sự tưởng thưởng cho trí tuệ của bạn.


5. Hãy là công dân toàn cầu - Global citizenship 

Chúng ta sống trong một thế giới mở, khi mọi việc xảy ra ở quốc gia này cũng có ảnh hưởng đến quốc gia khác. Hay ngược lại, những gì chúng ta đang làm ở đây, cũng góp phần đến sự thay đổi của thế giới. Khi trở thành công dân toàn cầu, bạn sẽ có cái nhìn thoáng hơn về cuộc đời, sống có trách nhiệm hơn với xã hội, kiến thức của bạn sẽ vượt qua khuôn khổ quốc gia dân tộc để từ đó có thể định hướng cuộc đời mình tốt hơn nữa.

Do đó, hãy rèn luyện cho mình những đức tính phù hợp để trở thành công dân toàn cầu. Có rất nhiều bài viết nói về làm cách nào để trở thành Global Citizenship. Tuy nhiên, điểm cơ bản nhất đó là các bạn hãy xem trái đất này là nhà của chúng ta, chúng ta biết ơn là đã được sinh ra trên hành tinh tươi đẹp này, và hãy cùng nhau gìn giữ nó để cho con cháu đời sau của chúng ta vẫn còn được sinh sống trên đó:
+ Ý thức bảo vệ môi trường: rác thải, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng xanh.
+ Hãy rèn luyện ngoại ngữ và kiến thức để “chu du thiên hạ”
+ Hãy quan tâm những vấn đề lớn của nhân loại: biến đổi khí hậu, năng lượng, ô nhiễm, dân số, an ninh, nguồn nước, v.v... 
+ Đọc nhiều sách để hiểu về văn hóa lịch sử nhân loại.
+ Tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài nước: đây cũng là 1 cách bạn có thể đi du lịch “chi phí thấp”
+ Hãy chọn cho mình những giá trị cốt lõi tốt đẹp và thực hành theo nó. Vì nó chính là thể hiện sự khác biệt của mình và giá trị của mình cho thế giới.
==> Nếu bạn có những tố chất “Công dân toàn cầu” thì đó là một điểm cộng để apply học bổng vào các đại học lớn trên thế giới.

Điều cuối cùng tôi muốn các bạn rèn luyện là dành thời gian rèn luyện tâm của chính mình. Nên dành ít nhất 30 phút mỗi tuần, không làm gì cả, hãy để cơ thể nghỉ ngơi, thật tĩnh lặng. Hãy đối thoại với chính mình, trả lời các câu hỏi: mình là ai, ta đang làm cái gì ở trần gian này, những điều mình thật sự mong muốn đạt được trong đời, những cái đó có thật sự quan trọng không? Hãy bỏ bớt những mục tiêu không quan trọng. Còn trẻ, bạn sẽ thấy là bạn có thể làm được mọi thứ, nhưng thực sự bạn không thể làm tất cả mọi thứ: thời gian và sức lực của bạn có hạn và chẳng ai làm được tất cả mọi thứ đâu. Người thành công là người biết bỏ bớt đi.
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!


Kết luận:

Chúng ta sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau và mỗi người cũng sẽ có những cuộc đời khác nhau tùy thuộc vào sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Mà con người thì không thể tách rời khỏi xã hội việc chúng ta thành công hay không tùy thuộc vào cách chúng ta hành xử trong xã hội đó. Xã hội loài người ở đâu cũng vậy, có những tầng lớp tinh hoa được rèn luyện, hun đúc các đức tính tốt đẹp và cho dù thời thế có thay đổi thế nào đi nữa, những đức tính tốt đẹp đó vẫn được gìn giữ và lưu truyền. Và đó chính là những yếu tố giúp bạn thành công, hãy tập trung rèn giũa bản thân mình. Do đó,

+ Hãy luôn yêu thương và biết ơn về những gì ta có được.
+ Hãy là một con người chính trực, sống có kỷ luật và kiên cường vì những đây là những đức tính luôn được quý trọng trong xã hội.
+ Hãy luôn quý trọng tiền bạc và kiếm tiền bằng đạo đức và trí tuệ của mình.
+ Hãy sống có mục đích mang lại điều tốt đẹp cho con người mà không gây hại cho xã hội.
+ Hãy không ngừng phát triển bản thân để luôn thích nghi với sự thay đổi.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mỗi bạn sinh viên là một báu vật của cuộc đời, là kết tinh của biết bao tình yêu thương của cha mẹ, gia đình họ hàng, sự nuôi dưỡng của xã hội. Chúng ta đến cuộc đời này để làm cho nó tốt đẹp hơn, phong phú hơn bằng việc cống hiến những tài năng, trí tuệ, các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, hay ít nhất là "một nốt trầm xao xuyến" trong bảng hòa ca của cuộc đời. [6

Để có thể thực hành được, các bạn có thể diễn dịch lại câu sau với những ý phù hợp với bản thân mình và xem nó như là khẩu quyết hành động của bạn: 

Tôi là một báu vật của cuộc đời, với tình yêu, lòng biết ơn, và sự chính trực, bằng tất cả kỷ luật và lòng quyết tâm sẽ mang lại cho xã hội những điều tốt đẹp X,Y,Z 
(Và X, Y, Z là những mục tiêu mà bạn muốn đạt tới) 

Do đó, các bạn hãy rèn luyện cho mình những giá trị cốt lõi, thân, tâm, ý để có thể vượt qua mọi sóng gió chập chùng của cuộc đời. Đừng chạy theo những cám dỗ phù phiếm làm phân tâm mục đích của đời mình. Để đến khi về già, các bạn nhìn lại thấy rằng cuộc đời của mình cũng thú vị lắm chứ, cũng có thể viết thành tiểu thuyết hay dựng thành phim để có thể kể cho con cháu mình nghe, ngày xưa ông bà của chúng cũng “hoành tráng” quá nhỉ :-)


Nhận xét

  1. Em đã đọc hết từng chữ thầy viết. Cám ơn thầy đã truyền năng lực tích cực. Kính chúc thầy luôn hạnh phúc và bằng an trên mọi nẻo đường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em. Chính sinh viên là nguồn động lực to lớn để tôi vững bước trên con đường chông gai nhưng cũng đầy vinh dự này!

      Xóa

Đăng nhận xét