Những đức tính mà các trường ĐH nước ngoài tìm kiếm

Trong suốt quá trình dạy học, một công việc "ngoại khóa" mà tôi thường làm đó là viết thư giới thiệu - Letter of Recommendation cho sinh viên để giúp các bạn ứng tuyển vào học bậc Sau đại học ở các trường ĐH nước ngoài (Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, và Châu Đại Dương). Vào năm 2013, tôi có viết bài về LoR http://tuanubicom.blogspot.com/2013/04/lor.html và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Mục tiêu của bài này là phân tích và rút ra những kinh nghiệm của các trường ĐH trên thế giới hỏi lại tôi về những ứng viên mà tôi giới thiệu họ, hoặc các sinh viên đề xuất tôi làm người tham khảo/giới thiệu để trường ĐH nước ngoài trực tiếp hỏi. Tôi viết ra đây để các bạn có ý định du học nước ngoài, cần chuẩn bị gì về tính cách, kỹ năng và thái độ để có thể thành công trong việc học, cũng như thành công trên trường đời. Kiến thức là kỹ năng cứng đã thể hiện trên bảng điểm, tôi không bàn ở đây. 

Những trường đại học lớn trên thế giới tìm kiếm điều gì từ sinh viên?

Ở các nước phát triển, có thể nói Đại học là một trong những cái nôi của tri thức, nơi ươm mầm tài năng và sản sinh ra các phát minh đóng góp cho xã hội, đóng góp cho nền khoa học kỹ thuật của một quốc gia, của nhân loại. Do đó, các trường đại học luôn khát khao tìm kiếm những sinh viên giỏi, có năng lực học tập, nghiên cứu tốt để đào tạo ra những người tài giỏi đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của đất nước hay rộng hơn là cho nhân loại. Do đó việc tìm kiếm người tài giỏi để đào tạo là ưu tiên hàng đầu

Tuy nhiên, người tài giỏi chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để được tiếp nhận vào học đó là tính cách và thái độ. Bạn có thể có điểm số cao ngất ngưỡng, nhưng tính cách "không phù hợp" thì họ cũng e ngại khi tiếp nhận. Bởi vì thế giới ngày nay là một thế giới mở và tính kết nối rất cao, không có ai thành công 1 mình, không có phát minh khoa học nào chỉ có sự đóng góp của 1 người. Do đó họ nhấn mạnh rất nhiều vào tính cách, thái độ của người học. Mà những tính cách, thái độ đó không dễ gì nhìn thấy qua bảng điểm đại học. Do đó vai trò của người giới thiệu cũng khá quan trọng. 

Thế thì các trường muốn biết gì về tính cách của ứng viên?   

Tôi liệt kê ra đây 1 vài tính cách mà trong các form của một số trường có hỏi tôi: 

1) Intellectual ability - Khả năng trí tuệ: Trước tiên, các trường muốn tiếp nhận 1 sinh viên có khả năng trí tuệ tốt. Theo định nghĩa một cách tổng quát nhất là khả năng tiếp nhận thông tin, so sách và nhớ lại các thông tin đó. Khả năng trí tuệ đề cập đến khả năng suy nghĩ thấu đáo, thấy được các mối liên hệ giữa các vấn đề và khả năng giải quyết các vấn đề mới hoặc trong tình huống thay đổi. Khả năng ghi nhớ, cách giải quyết vấn đề sáng tạo và khả năng ngôn ngữ, vốn từ cũng đóng góp vào mức độ phát triển của khả năng trí tuệ của 1 cá nhân. Một số nhà khoa học cho rằng khả năng trí tuệ là khả năng suy luận các vấn đề trừu tượng, và kỹ năng suy nghĩ, khả năng tiếp thu tri thức cũng như những kỹ năng giải quyết vấn đề. 

Nói dài dòng như vậy, theo ông bà xưa mình nói 4 từ ngắn gọn "học một biết mười" có thể được xem là một người có khả năng trí tuệ tốt. Tức là học một vấn đề, nhưng biết vận dụng, suy luận, giải quyết cả 10+ vấn đề thì được xem là có khả năng trí tuệ. Vì người học chỉ ở lại với mái trường một thời gian nhất định, học được một lượng kiến thức nhất định, phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời là họ phải tự vận dụng, tự vận động và tự mình đi trên con đường của mình! 

2) Tính nguyên bản - Original: định nghĩa này tôi khá tâm đắc "Hãy luôn là phiên bản tốt nhất của bạn thay vì là phiên bản hạng hai của ai đó khác." Hãy là chính mình, đừng copy hay bắt chước ai đó khác.   
Hình lụm trên Internet, không phải Original :-) 
Thế giới ngày nay quý trọng sự sáng tạo, những copy sao chép, bắt chước, fake, clone được xem là non-original. Đặc biệt trong học thuật, sự sao chép bắt chước sẽ bị đánh giá là "đạo văn", "đạo ý tưởng", "nhái-sao chép" và bị tẩy chay. 

Do đó hãy là phiên bản tốt nhất của bạn! Đừng sao chép! Be original 

3) Tính chủ động - Initiative: Thực ra đây là yếu tố mà sinh viên Việt Nam khá yếu. Có thể do cách học từ bậc phổ thông đọc chép thụ động nên khi lên học ĐH tôi thấy rất nhiều bạn sinh viên vẫn chưa chủ động. Chủ động trong học tập, nghiên cứu, đó là không cần đợi giảng viên thúc giục, hay yêu cầu. Trong bài học, bài giảng, có chỗ nào chưa hiểu, kiến thức còn hổng chỗ đó thì chủ động tìm tài liệu để học thêm để bổ sung thêm chỗ thiếu sót để học tốt hơn. Đó có thể được xem là tính chủ động. 

Chủ động xây dựng thời gian biểu của mình, chủ động rèn luyên sức khỏe để học tập tốt hơn, chủ động trong việc lên kế hoạch,...bởi vì, vào học ĐH là bạn đã trưởng thành, không ai có thể đi theo sát kè kè để nhắc nhở các bạn phải làm gì. 


4) Thói quen làm việc - Working habits
Thói quen làm việc cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của một người. Thực ra đây là một yếu tố mang tính cá nhân rất cao. Tuy nhiên, đức tính này có thể học được, rèn luyện được. Đây là một yếu tố bao gồm nhiều yếu tố nhỏ khác tạo nên một người thành công. Các bạn có thể tìm đọc thêm 20-27 đức tính tốt để rèn luyện thói quen làm việc tốt 

  1. 20 good work habits to develop 
  2. 27 Good Work Habits for a Successful Career

Có một số đức tính mà tôi rất thích, các đức tính này, có những cái bạn đã rèn luyện được từ thời phổ thông, nhưng có những đức tính cần khá nhiều thời gian và kỷ luật để rèn luyện được: 

  • Đúng giờ, hãy tiếp nhận chỉ trích/góp ý, không phàn nàn, không trì hoãn, chấp nhận là không phải cái gì mình cũng biết và luôn suy nghĩ và hành động tích cực
  • Không tám chuyện, ngồi lê đôi mách trong cơ quan. 
  • Không ưa nhẹ tránh nặng, sẵn sàng xung phong khi tổ chức yêu cầu và đã khi nhận việc thì làm hết sức mình. Đừng bao giờ nói đó không phải là việc của tôi! 
  • Không check điện thoại thường xuyên khi làm việc! Bạn rất dễ bị phân tán tư tưởng trong khi làm việc nếu điện thoại cứ "ting-ting" notifications liên tục :-) 
  • Hãy luôn đặt câu hỏi khi chưa rõ! 
  • Hãy sắp xếp công việc hợp lý, đừng bao giờ đợi nước đến chân mới nhảy.  
  • Rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và tính chịu trách nhiệm về công việc mình làm.  

5) Tính chính trực - Integrity: Có thể nói đây cũng là một yếu tố rất quan trọng không chỉ trong học tập nghiên cứu mà nó còn là đức tính giúp bạn thành công trong cuộc đời. Đây là một đức tính mà rất nhiều trường đại học yêu cầu người học cần có. 

Thế thì chính trực là gì? 
Tử điển Oxford định nghĩa chính trực là: “Phẩm chất của việc trung thực và có kỷ luật đạo đức mạnh mẽ.”

Điều quan trọng cần nhớ là những nguyên tắc đạo đức này không được xác định, và khác nhau với từng người bởi vì mỗi người có thể có những hệ thống giá trị và niềm tin khác nhau. Mỗi người tự xác định giá trị cốt lõi của mình và trung thành với giá trị cốt lõi đó để rèn luyện và giữ mình trong khuôn khổ giá trị đó. 

Có rất nhiều bài viết nói về lòng chính trực, tính chính trực: 

Biểu hiện đầu tiên của một người chính trực là họ có một nhân cách tốt, luôn thành thật, trung thực. Vì thế, trong cuộc sống họ thường rất khiêm tốn, sống chân tình và gần gũi với mọi người. Cho dù họ có thật sự giỏi giang hơn hẳn mọi người, thì họ vẫn không cố tỏ vẻ ra rằng mình giỏi. Họ nói được là làm được, họ biết giữ chữ tín và luôn thận trọng với lời hứa của mình. Người chính trực nói 1 là 1, 2 là 2, câu trước câu sau luôn nhất quán, không mâu thuẫn với chính họ. Chính vì vậy, khi gặp 1 người chính trực, bạn sẽ tự cảm nhận được và rất yên tâm khi làm việc với họ.   

Yếu tố thứ 2 được đề cập đến đối với 1 người chính trực đó là tôn trọng người khác, tôn trong thời gian và ghi nhận đóng góp của người khác. Họ luôn biết ơn và xin lỗi đúng lúc. Họ chấp nhận con người là không hoàn hảo nhưng luôn rèn luyện để tốt hơn, ít sai sót hơn. 

Đặc biệt, trong môi trường đại học, nơi mà các sinh viên tiếp nhận tri thức từ rất nhiều nguồn, đứng trên vai rất nhiều người khổng lồ nên việc ghi nhận đóng góp của người khác thông qua việc trích dẫn (citation) là điều kiện tiên quyết để học tập, nghiên cứu. Việc "đạo văn-plagiarism" là tuyệt đối cấm và được xem như là sự xấu hổ mà sinh viên phải hết sức tránh.  

Nói tóm lại, làm việc với những con người chính trực, chúng ta sẽ rất yên tâm, và học hỏi được rất nhiều. Và tính chính trực không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là đã đạt được thì nó sẽ là mãi mãi. Đó là đức tính mà chúng ta phải rèn luyện mỗi ngày, mỗi giờ và không có điểm kết thúc. 

6) Tính linh hoạt - Flexibility 
Thế giới này luôn vận động và biến đổi không ngừng. Do đó không có lý do gì mà chúng ta phải cứng nhắc theo một nguyên tắc nhất định không thay đổi. Người linh hoạt là người có khả năng thích nghi theo sự thay đổi của hoàn cảnh và vận dụng các khả năng của mình để khắc phục khó khăn mà đạt được mục tiêu đã đề ra. 

Đối với 1 sinh viên nghiên cứu, khi ta đã đạt 1 thành công nhất định bởi phương pháp mà ta áp dụng, thường bị "chấp ngã" vào phương pháp đó và cho rằng nó là cách duy nhất/tốt nhất để giải quyết vấn đề. Đến khi gặp phải khó khăn, mà cứ dùng phương pháp cũ đó để giải quyết thì chắc chắn sẽ không đạt kết quả. Do đó, chúng ta cần phải linh hoạt, biết thay đổi phương pháp, kể cả thay đổi chính mình để vượt qua. 

Tuy nhiên, linh hoạt không có nghĩa là từ bỏ tất cả, mà hãy linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp, kể cả sáng tạo ra phương pháp mới mà không "trụ" vào duy nhất một phương pháp nào để ứng phó với mọi sự thay đổi của cuộc đời. 
  
7) Kỹ năng Tiếng Anh: ngoài điểm số test Tiếng Anh như TOEFL, IELTS,..., các trường còn có thể hỏi kỹ về 4 kỹ năng của ứng viên có thể đọc, nghe, viết và nói như thế nào.  

Tôi có hơi "thiên vị" khi nói ngoại ngữ là Tiếng Anh, tuy nhiên, tất cả sinh viên tôi giới thiệu vào học ở các trường nước ngoài đều sử dụng Tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy và nghiên cứu. Kể cả các trường ở Châu Á (Thái Lan, Nhật, Hàn) hay Châu Âu (Áo, Ý, Đức) đều dùng Tiếng Anh để làm ngôn ngữ giảng dạy và nghiên cứu ở bậc Sau đại học. Sẽ là vô ích nếu bạn không giao tiếp được Tiếng Anh nếu bạn du học sau đại học ở các trường ĐH nước ngoài. Một số trường ĐH họ sẽ phỏng vấn trực tiếp chứ không chỉ tin vào chứng chỉ Tiếng Anh mà bạn có. 

Do đó, hãy rèn luyện cho mình kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh cần thiết và thật tự tin khi giao tiếp bằng Tiếng Anh để du học nhé! 

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy mấy trường ĐH lớn họ rất "khôn khéo" khi chọn lọc sinh viên vào học, vừa chọn người giỏi, có tài, có tâm để vào học để góp phần tạo thêm danh tiếng cho họ, đóng góp cho nền tri thức của nước họ trước tiên, kế đến là cho nhân loại :-) 

Tóm lại, các trường ĐH nước ngoài họ không chỉ chăm chăm vào số tiền học phí mà sinh viên đóng cho họ. Họ mong muốn đào tạo những người thật sự có ích cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của khoa học và sự phát triển của nhân loại. Các trường càng có danh tiếng cao, họ càng nhắm đến các đức tính tốt, thái độ của sinh viên. Song song với việc tích lũy điểm số, tri thức, hãy rèn luyện cho mình những đức tính tốt: integrity, original, flexible, những thói quen làm việc tốt và hãy trang bị English thật tốt để trở thành người thành công hơn, có ích cho người, cho đời và khi đó, bạn sẽ yên tâm ứng tuyển vào những trường đại học danh tiếng trên thế giới. 


Nhận xét