Chia sẻ tri thức đó là cách để đạt được sự bất tử. [Dalai Lama]
1. TRÀO LƯU HỌC LIỆU MỞ
Ngày nay, trào lưu Open Courseware được các trường đại học lớn trên thế giới phát động và đang trên đường phát triển mạnh mẽ. Với sự hỗ trợ của Internet, đã mở ra một cơ hội to lớn hơn bao giờ hết cho người học muốn nâng cao trình độ, lẫn có được một bằng cấp hay chứng chỉ từ những giáo sư đầu ngành trên thế giới. Trong bài này, chúng tôi tập trung giới thiệu những cơ sở đào tạo nổi tiếng và chất lượng và cách khai thác kho tài nguyên vô giá và hoàn toàn miễn phí này. Đồng thời, bài viết này cũng phân tích thấu đáo những khía cạnh khác nhau của trào lưu mới này để giúp cho người đọc hiểu được và khai thác được một cách hiệu quả nguồn tài nguyên phong phú này.2. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Đầu năm 1999, đại học Tubingen, Đức đã đi tiên phong cho trào lưu học liệu mở (OpenCourseWare, hay OCW) bằng cách công bố các vài giảng video lên Internet. Tuy nhiên, phong trào OCW thực sự lớn mạnh khi MIT OCW tại viện kỹ thuật Massachusetts-MIT thực sự thúc đẩy vào tháng 10, năm 2002. Sau đó, phong trào đã được sự ủng hộ của nhiều trường khác như Yale, University of Michigan, và Đại Học Berkeley.
Trong những năm tiếp theo, trào lưu chia sẻ nguồn tài nguyên học tập của các trường đại học trên thế giới đã trở nên phổ biến. Vì sao vậy?
Đầu tiêu, xuất phát từ nền văn minh khai phóng của người Phương Tây, tư tưởng đứng trên vai người khổng lồ. Khi họ biết điều gì thì chia sẻ tri thức cho người khác biết để giúp đỡ bớt công cực nhọc tìm tòi, và quan trọng hơn, họ ý thức được khi có nhiều người biết thì sẽ cùng nhau làm được nhiều việc lớn hơn.
Thứ hai, qua những bài học chất lượng cao đó, các trường đại học trên thế giới muốn quảng bá hình ảnh của mình. Đây là một cách quảng cáo và PR mang lại hiệu quả cao nhất. Với tiêu chí mang tính nhân văn là giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, việc mở ra cơ hội cho mọi người ở tất cả mọi nơi trên thế giới tiếp cận được tri thức sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn và ổn định hơn.
Thứ ba, lý do kinh tế. Các trường trên thế giới hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt về mặt số lượng cũng như chất lượng của sinh viên nhằm đáp ứng được nhu cầu nhân lực, nghiên cứu khoa học, để tiếp tục đứng vững trên thị trường. Bởi thực tế là giáo dục mặt đối mặt vẫn là một cách hiệu quả nhất, đầy cảm xúc nhất cho việc truyền đạt và tiếp nhận tri thức. Do đó, để lôi cuốn sinh viên quốc tế đến học tại trường của mình, thì ít ra là các sinh viên tiềm năng sẽ thấy được, cảm nhận được và háo hức muốn đến ngôi trường mà họ đã thấy trước là việc học sẽ diễn ra thú vị đến thế nào.
3. KHO HỌC LIỆU MỞ
Nếu tìm tòi trên Internet, ta sẽ tìm thấy vô số trang cung cấp khoá học online miễn phí và có thu phí một phần. Bài báo [1] liệt kê ra đến 50 sites cung cấp gíao dục trực tuyến, và điều đặc biệt là học liệu ở đây rất chất lượng và được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Do giới hạn trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ liệt kê một vài nơi tiêu biểu với những tiêu chí phân loại như sau: i) do một trường đại học lập ra, ii) do một tổ chức sáng lập ra, iii) do một công ty lập ra, và iv) do một tập thể các giáo viên lập ra.
3.1 Do một trường ĐH lập ra:
MIT OpenCourseWare: http://ocw.mit.edu/
Có thể nói MIT OCW là một đơn vị tiên phong cung cấp học liệu mở và tổ chức rất bài bản. Tại đây sinh viên có thể đăng ký học và download tất cả các bài giảng video, slides, bài tập của khoá học. Điểm độc đáo là người học có thể hoàn toàn chủ động trong việc tự tổ chức lịch học cho mình. Tuy nhiên, điểm hạn chế duy nhất đó là người học không thể kết nối với bạn bè cùng học với mình cũng như liên hệ đều đặn với giáo viên đứng lớp.OpenLearn http://www.open.edu/openlearn/
Trang web này cung cấp các khóa học có thể tải về được về rất nhiều thể loại khác nhau như thanh thiếu niên và trẻ em, ngôn ngữ, kinh doanh, kỹ thuật, và v.v... Khi người học muốn học họ có thể xem các đánh giá của khoá học bởi cộng đồng để giúp họ trong việc quyết định chọn những khóa học gì để học.Carnegie Mellon Open Learning Initiative, http://oli.cmu.edu/
Sáng kiến Open Learning (OLI) là một nhóm được tài trợ bởi Đại học Carnegie Mellon, bắt đầu từ năm 2001. OLI cung cấp các khóa học trực tuyến sáng tạo để bất cứ ai muốn tìm hiểu hoặc giảng dạy. Mục đích của OLI là tạo ra các khóa học chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu cơ bản để cải thiện việc học tập sau đại học.
Việc thành lập OLI có nền tảng vững chắc từ sau cuộc đối thoại giữa đại diện trường Carnegie Mellon, Mike Smith và Cathy Casserly từ Quỹ William và Flora Hewlett Foundation vào mùa thu năm 2001. Smith và Casserly đã ghé thăm nhiều tổ chức trên khắp nước Mỹ, sau khi có chỉ tài trợ của MIT dự án học liệu mở, tìm kiếm các "điều lớn lao" tiếp theo trong giáo dục trực tuyến mở. Các khoá học đầu tiên bao gồm: nhân quả và suy luận thống kê, Thống kê, Logic và Bằng chứng, và Kinh tế.
Ngoài các trường trên, còn khá nhiều trường mở ra dạng OpenCourseWare này như: Tufts OCW, Utah State OCW, USQ Australia OCW, UCI OCW, ...v.v...
3.2 Coursera: do một tổ chức sáng lập ra: https://www.coursera.org
Với sự phát triển không ngừng của trào lưu OCW, các trường ĐH trên thế giới mà chủ yếu là ở Mỹ đã lập ra một trang web có tên là Coursera. Điểm khác biệt với các nơi khác là Coursera tổ chức một cách đầy đủ cho việc học trực tuyến bao gồm việc chiêu sinh, tổ chức lớp, giảng dạy, người học có thể download tất cả các học liệu. Điểm quan trọng hơn hết là:− Người học có một forum để có thể trao đổi việc học lẫn nhau
− Một khoá học được tổ chức bởi một hoặc nhiều giáo sư hàng đầu, và có sự trợ giảng đông đảo từ các cộng sự của họ mà đa phần là sinh viên PhD.
− Người học có thể làm bài tập (assignments), trả lời trắc nghiệm và có điểm đánh giá môn học.
− Cách chấm điểm là Peer-review: người học chấm chéo bài tập lẫn nhau, chính điều này sẽ giúp họ học được nhiều hơn từ bạn bè và giảm tải cho giảng viên đứng lớp
− Điểm quan trọng cuối cùng là nếu như người học muốn học một cách thật nghiêm túc thì họ có thể đóng tiền khoảng $250 USD cho một môn học để được cấp chứng chỉ nếu đậu kỳ kiểm ta cuối khoá. Mức học phí này là khá rẻ so với chất lượng của khoá học mang lại.
Udacity, giáo dục trọn đời, https://www.udacity.com
Our mission is to bring accessible, affordable, engaging, and highly effective higher education to the world. We believe that higher education is a basic human right, and we seek to empower our students to advance their education and careers. [Udacity Mission Statement]Udacity là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Sebastian Thrun, David Stavens, và Mike Sokolsky nhằm cung cấp một lượng lớn các khoá học mở trực tuyến (Massive Open Online Courses – MOOCs). Với tư tưởng ban đầu là Udacity sẽ cung cấp một khoá học tương tự như ở Đại Học. Gần đây Udacity mở thêm các khoá dạy nghề, hoặc ngắn hạn.
Udacity tin tưởng rằng việc học không chỉ là một thời gian ngắn mà đó là những trải nghiệm suốt đời. Giáo dục không phải là ngồi nghe thụ động mà còn phải thực sự bắt tay vào làm. Giáo dục không phải cung cấp năng lượng cho sinh viên thành công trong nhà trường mà còn phải thành công trong cuộc sống.
Với tiêu chí đó Udacity mong muốn phát minh lại giáo dục cho thể kỷ 21 bằng cách lấp đầy những khoảng trống giữa kỹ năng trong đời thực và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
3.3 iTune-University (iTunes-U): do một công ty lập ra
Ngày 30/5/2007, công ty Apple cho ra đời iTunes U qua cửa hàng ứng dụng trực tuyến của họ - Apps Store. Trong đó iTunes-U cung cấp các bài giảng cấp đại học nội dung đa phương tiện được cung cấp bởi các trường đại học ở Mỹ, Anh, Úc, Canada, Ireland, và New Zealand.Các thành viên tham gia iTunes-U được tạo điều kiện để tổ chức trang web của riêng mình theo định dạng của iTunes-U; các dịch vụ trực tuyến miễn phí cho phép như tải lên, tải xuống các tài liệu này. iTunes-U bao gồm các bài giảng về khoa học, kỹ thuật, văn học, xã hội, kinh tế, y khoa, v.v... Hiện tại kho dữ liệu có đến hơn 75,000 tài liệu để tải về. Đại học mở tại Anh lập kỷ lục là có hơn 40 triệu lượt tải về tính đến 3/10/2011.
3.4 Đại Học Nhân Dân, The University of The People - UOPeople: do một tập thể các giáo viên lập ra.
Đại học nhân dân - University of the People là một trường đại học tư thục trực tuyến và không thu học phí được thành lập năm 2009, do Shai Reshef, một nhà đổi mới giáo dục lập ra. Người học có thể đăng ký học y như việc đăng ký vào một trường đại học truyền thống. Hiện tại ĐH này cung cấp các bằng đại học và chuẩn đại học về ngành Khoa Học Máy Tính và Quản trị kinh doanh. Hiện tại, ĐH này đã được kiểm định và công nhận bởi hội đồng giáo dục và đào tạo từ xa Hoa Kỳ.Điều đặc biệt của UOpeople là hội đồng nhà trường và các giáo viên đều đến từ những trường ĐH nổi tiếng trên thế giới như ĐH New York (NYU), ĐH Yale, ĐH Oxford, v.v...Chủ tịch hội đồng trường là Chủ tịch John Sexton đến từ ĐH New York và cùng với Hiệu trưởng Nicholas Dirks của UC Berkeley, hiệu trưởng ĐH Lincoln TS. Robert Jennings, giám đốc của Học viện kỹ thuật Ấn Độ ITT GS. Devang Khakhar, Hiệu phó ĐH Oxford Sir Colin Lucas, Chủ tịch danh dự của RISD Roger Mandle, chủ tịch danh dự Barnard College Judith Shapiro và chủ tịch danh dự của ĐH George Washington ông Stephen Joel Trachtenberg.
Ngoài ra, trường có hơn 3000 giáo sư đến từ các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. Tất cả đều hoạt động trên hình thức tình nguyện. Đặc biệt hơn nữa, trường là nơi đầu tiên ứng dụng hình thức học thông qua dạy và học từ bạn bè (peer-to-peer learning). Người học sẽ được tạo điều kiện để trao đổi, học nhóm, giúp nhau làm bài tập và chấm điểm chéo cho nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên đứng lớp. Với cách này, UOPeople đã giảm được gánh nặng về bài vở cho giáo viên để họ tập trung hơn vào bài giảng.
Khởi đầu với 177 sinh viên từ 43 quốc gia vào năm 2009, cho đến 5/2014, UOPeople đã có đến 1700 sinh viên đến từ 143 quốc gia khác nhau. Tiêu chí của UOPeople là mang cơ hội học đại học đến cho mọi người với chi phí học tập tối thiểu. Hiện nay, để đạt được một bằng ĐH tại UOPeople, sinh viên phải học khoảng 40 môn. Trong đó UOPeople chỉ thu $100 cho một kỳ thi kết thúc môn. Do đó, để hoàn thành khoá học ĐH, sinh viên chỉ tốn khoảng $4000, một chi phí có thể chấp nhận được tương xứng với chất lượng đào tạo ở hầu hết các quốc gia.
4. CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ QUA TRÀO LƯU OCW NÀY, LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHAI THÁC
Những điều học được:
Quả thật trào lưu học liệu mở đã mang lại cơ hội to lớn cho tất cả mọi người trên thế giới. Qua trào lưu OCW này, chúng ta học được những điều sau: kiến thức, phương pháp giảng dạy & trình bày, Tiếng Anh chuyên ngành, và quan trọng hơn hết là tinh thần sẻ chia đóng góp giá trị cho xã hội.
Trước hết, tất cả các course được cung cấp miễn phí này đều được trình bày với chất lượng và sự cố gắng cao nhất. Những vấn đề hóc búa trong chuyên môn được các giáo sư trình bày ngắn gọn, dễ hiểu để trong một thời lượng hạn chế của bài giảng vẫn có thể truyền tải đủ. Các course không chỉ bổ ích cho sinh viên mà còn là một nguồn tham khảo quý để giáo viên có thể củng cố kiến thức của mình.
Thứ hai, đối với giáo viên dạy cùng môn, cùng chuyên ngành, ta có thể học được phương pháp trình bày, phương pháp truyền đạt cho sinh viên hiểu từ những bài giảng trực tuyến do các giáo sư hàng đầu giảng dạy.
Thứ ba, về nâng cao trình độ Tiếng Anh trong giảng dạy. Hầu hết các khoá OCW đều được trình bày bằng Tiếng Anh, do đó thông qua việc học này, chúng ta còn học được các kỹ năng giảng dạy, giải thích, trình bày, cũng như làm chủ bục giảng để mang lại bài giảng với hiệu quả cao nhất.
Cách khai thác:
Để khai thác được nguồn tài nguyên vô giá này thì chỉ cần 3 thứ: một máy tính đủ mạnh có kết nối vào Internet, một vốn Tiếng Anh đủ mạnh để có thể nghe hiểu và đọc được bài giảng, và quan trọng nhất là một ý chí tự học cao. Bởi vì thiếu ý chí và sự quyết tâm thì không thể theo đuổi việc học này được vì lớp học này không có sự điểm danh, không có một ràng buộc nào nếu không quyết tâm thì sẽ rất dễ bỏ cuộc.
5. CHỨNG CHỈ, BẰNG CẤP và SỰ CÔNG NHẬN
Có thể nói việc giáo dục trực tuyến mang lại sự tiện lợi và sự tự do rất lớn cho người học lẫn người dạy bởi tính chủ động của nó. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự lo ngại về tính trung thực, sự tự giác và chất lượng của nó. Thế nhưng với những cách làm sáng tạo, trào lưu OCW đã dần dần giải toả được những mối e ngại này. Bằng chứng là vào tháng 2/2014, Đại học của Nhân dân – UOPeople đã được công nhận và kiểm định bởi tổ chức giáo dục và đào tạo online tại Hoa Kỳ. Các nhà sáng lập đã chứng minh được sự thực tế và đúng đắn của mô hình đại học miễn phí này.
Về mặt nội dung, chất lượng bài giảng, nội dung khoa học đã được đảm bảo, vì đó thực chất là bài giảng được giảng dạy cho sinh viên chính quy tại các trường sở tại. Nó cũng được dùng làm phương tiện hỗ trợ học tập cho sinh viên chính quy trong khuôn viên trường ĐH.
Nhưng còn về phía người học, những nghi ngại đầu tiên đến từ sự trung thực, tự giác và tính kiên trì, khi mà những tiêu cực, gian lận, đến từ phía người học cũng chiếm một phần không nhỏ. Để giảm thiểu điều này, các khoá học theo hình thức OCW có nhiều dạng triển khai: không quản lý, có quản lý cấp chứng chỉ, và cao nhất là cấp bằng Đại Học như trường hợp của UOPeople.
Hầu hết các course trên iTunes-U, Coursera hay các OCW sites khác đều không cấp bằng. Người học download tài liệu, bài giảng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá tri thức, hay đơn thuần là để tra cứu khi cần thiết.
Tuy nhiên, để ghi nhận công sức học tập, vẫn có những hình thức chứng chỉ để học viên cố gắng hơn để đạt được. Ngoài ra, đây cũng là một nguồn thu để các tổ chức OCW tái đầu tư cho hệ thống của mình. Vì tất cả các tài nguyên học tập kia cũng cần servers, đường truyền và nhân lực để duy trì.
Các hình 8-11 là ảnh mẫu các chứng chỉ do các trường đại học Mỹ cấp cho học viên học qua Coursera.
6. NHẬN XÉT & ĐÁNH GIÁ
Nhận xét:Sau hơn 2 năm theo dõi, học hỏi qua các nguồn tài nguyên OCW này, tác giả là một người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn khoa học máy tính, có những nhận xét như sau
Về mặt chuyên môn và sự chuẩn bị của các khoá học rất cao và chu đáo. Các giáo viên giảng dạy đều là những nhà giáo tâm huyết trên toàn thế giới. Nội dung cung cấp là đáp ứng được chuẩn kiến thức cho các môn học được giảng dạy.
Về mặt kỹ năng giảng dạy: có thể nói là có rất nhiều điều để học dành cho giảng viên trẻ. Các giáo sư hàng đầu họ không nói nhanh, không nói nhiều và nội dung một buổi học cũng không quá nhiều chủ đề. Một buổi học không kéo dài quá 1,5 tiếng. Nếu có nhiều nội dung hơn 1,5 tiếng, thì bài giảng sẽ được tách ra.
Việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy cũng được sử dụng ở mức vừa phải. Bảng xanh phấn trắng vẫn được sử dụng phổ biến ở Stanford, Berkeley,...giáo viên không quá lạm dụng máy chiếu. Hơn nữa, việc sử dụng máy chiếu không thể đủ linh hoạt khi diễn tả những vấn đề mang tính suy luận, biến đổi cần sự giải thích từng bước.
Cách bố trí phòng học ở các trường lớn cũng cho ta thấy có những nét rất đáng học hỏi. Đó là không gian viết bảng dành cho giáo viên rất rộng, bảng nhiều tầng, nhiều lớp có thể thay đổi độ cao để phù hợp với tầm vóc của từng giảng viên, và quan trọng là trong một buổi học, giảng viên không cần phải xoá bảng đi để viết tiếp, điều này giúp sinh viên có thể xem lại toàn bộ nội dung bài giảng trên bảng.
Về phương pháp giảng dạy chuyên ngành bằng Tiếng Anh:
Đối với giảng viên không thuộc các nước nói Tiếng Anh thì việc tham gia các khoá học trên OCW giúp nâng cao rất nhiều kỹ năng giao tiếp và giảng dạy.
Trước hết là học được văn nói của các giáo sư khi giảng dạy. Thực ra chỉ có một số lượng nhất định các mẫu câu được sử dụng khi giảng bài. Về mặt từ vựng thì các giáo sư sử dụng một kho từ vựng tối thiểu để giải thích cho sinh viên. Họ tránh dùng quá nhiều từ mới lạ trong một bài giảng.
Điều thú vị nữa là chúng ta cũng học được nhiều cách phát âm Tiếng Anh khác nhau: Tiếng Anh giọng Mỹ, giọng Úc, giọng Pháp, giọng Đức, v.v... Những trải nghiệm này giúp người nghe có thể tiếp cận với đa dạng ngữ âm.
Sinh viên Việt Nam đa số là yếu kỹ năng nghe do họ ngôn ngữ của Tiếng Việt khác biệt quá lớn so với họ ngôn ngữ Latin. Việc nghe bài giảng 100% từng câu, từng chữ là điều gần như không thể. Do đó, học kỹ năng nghe bằng não, có suy luận, đoán ý và nghe keywords cũng có thể giúp nắm được ý chính của bài giảng.
Đánh giá:
Phải biết rằng học online dù sao vẫn không thể sánh được với việc học tại trường, có giáo viên giảng dạy mặt đối mặt. Những trải nghiệm học đường, tinh thần đồng đội, môi trường học tập vẫn là một yếu tố then chốt thu hút học sinh đến học. Chính vì thế mà các trường ĐH không hề sợ giảm số lượng sinh viên đến học tại chỗ, mà trái lại, còn thôi thúc và khơi dậy niềm đam mê được đi học tại trường của mình.
Tuy nhiên, cho dù học chính quy, sinh viên cũng cần tiếp cận với nguồn bài giảng này để ôn tập và đào sâu tri thức. Chính vì thế, bản thân các trường ĐH làm điều này cũng có lợi cho sinh viên của họ.
Đối với sinh viên Việt Nam với những kiến thức nền tảng, đã học được ở trường ĐH, cộng thêm với việc theo dõi bài học trên hệ thống OCW này, sinh viên sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới cũng như được du học tại chỗ với chi phí thấp nhất.
Đối với giảng viên, việc tham khảo OCW sẽ có thêm những kinh nghiệm giảng dạy, tăng cường kỹ năng trình bày, giải thích cũng như học những cách xử lý tình huống mà khó có thể gặp ở trong quá trình học tập của mình được.
7. KẾT LUẬN
Tóm lại, phong trào học liệu mở đã tạo ra một cuộc cách mạng trong giáo dục và đào tạo. Những phương pháp học tương tác, chia sẻ, học thầy không tày học bạn được thể hiện rõ nét qua những khoá học online OCW này. Trên hết, đó là tinh thần chia sẻ tri thức với sự tự nguyện cao nhất của cộng đồng các nhà khoa học đầy tài năng và tâm huyết với một mong muốn mang lại cơ hội học tập bình đẳng và chất lượng cho đông đảo người học trên hành tinh này vì một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Còn chần chừ gì nữa, với một máy tính đủ mạnh, có kết nối mạng, một kỹ năng Tiếng Anh nhất định, và lòng quyết tâm chinh phục tri thức thì bạn có thể trở thành sinh viên của những trường đại học danh tiếng với những chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Nếu bạn muốn đầu tư một cách nghiêm túc cho việc học của mình thì bạn có thể có được bằng cấp, chứng chỉ một cách kinh tế nhất. Trong hành trình chinh phục tri thức này, hạnh phúc không hẳn là bằng cấp mà là những trải nghiệm trong quá trình học tập với những con người tuyệt vời này.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Theo bạn, khi các trường Đại học mở course miễn phí như vậy họ mất gì không ? Phân tích cái được, cái mất của trường sở tại.2. Bạn nghĩ gì khi các trường ĐH chỉ công bố một số course miễn phí trong chương trình đào tạo của họ mà không mở hết?
3. Liệu rằng việc mở các course miễn phí cho toàn thế giới học có giảm gía trị của trường đó không ? Vì sao càng ngày càng có nhiều trường mở ra vậy?
4. Sinh viên và giảng viên được lợi gì từ những trào lưu mở này.
5. Sinh viên và giảng viên cần chuẩn bị gì để có thể tận dụng được trào lưu này?
Tài liệu tham khảo
1. 50 nơi cung cấp giáo dục miễn phí, http://www.opencolleges.edu.au/informed/features/free-online-courses-50-sites-to-get-educated-for-free, Last accessed 20/10/2014.2. "Stanford Takes Online Schooling To The Next Academic Level". All Things Considered, National Public Radio. 23 January 2012. http://www.npr.org/blogs/alltechconsidered/2012/01/23/145645472/stanford-takes-online-schooling-to-the-next-academic-level, Last accessed 20/10/2014.
3. Các khoá học online cho giáo dục sau đại học, http://www.theguardian.com/education/2012/nov/19/open-online-courses-higher-education
4. Trào lưu OpenCourseware, http://en.wikipedia.org/wiki/OpenCourseWare, Last accessed 20/10/2014.
Nhận xét
Đăng nhận xét