Bài 1: Giới thiệu lập trình trên điện thoại di động

Ngày nay điện thoại di động thông minh (từ đây, gọi tắt là smartphone ) đã và đang trở thành vật bất ly thân của người dùng trong thời đại bùng nổ kết nối. Đứng trước trào lưu đó, bài báo này mong muốn mang lại cho các bạn một trải nghiệm mới để có thể tự học một cách có hệ thống và nắm được triết lý của việc phát triển phần mềm, để từ đó có thể tự mình khám phá và sáng tạo phần mềm nhằm thoả chí sáng tạo, hay chỉ đơn giản là trải nghiệm.

Dự kiến chuỗi chia sẽ và trải nghiệm này sẽ kéo dài trong 7 kỳ để giúp các bạn có thể có được những kỹ năng cơ bản và từ đó có thể tự tin vững bước trong công cuộc sáng tác phần mềm. Để có thể học và làm theo các hướng dẫn trong chuỗi bài báo này, các bạn cần trang bị cho mình một nền tảng căn bản về ngôn ngữ lập trình java, có tư duy lập trình, và quan trọng hơn hết đó là niềm say mê sáng tạo phần mềm trên di động. Kinh nghiệm cho thấy, niềm say mê sẽ là động lực to lớn có thể giúp các bạn vượt mọi khó khăn trong việc học của mình.

Trong kỳ đầu tiên này, các bạn sẽ được cung cấp kỹ năng để viết một phần mềm đơn giản gọi là “Xin chào thế giới” – Hello World. Đây là một ứng dụng “nổi tiếng” trong tất cả các ngôn ngữ lập trình và hệ thống mới. Bởi lẽ đơn giản “Hello World” mà không chạy, thì sẽ không có ứng dụng nào chạy được.

Để có thể học và viết ứng dụng tốt trên Android, các bạn phải tự trang bị cho mình kiến thức căn bản về lập trình, lập trình hướng đối tượng trên ngôn ngữ Java. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là niềm say mê khoa học và sức sáng tạo và trí tưởng tượng. Bởi hơn bao giờ hết, “trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức” [Albert Einstein].

Cấu trúc của bài báo bao gồm các phần sau: phần 1 giới thiệu cách cài đặt bộ công cụ phát triển ứng dụng trên điện thoại Android. Phần 2 giới thiệu cách tải về các phiên bản hệ điều hành Android khác nhau. Phần 3 giới thiệu cách tạo một máy điện thoại ảo để thử nghiệm. Phần 4, chương trình đầu tiên của bạn. Phần 5 sẽ kết luận và đưa ra những gợi ý phát triển cho bài học trong số tiếp theo.


I. Giới thiệu Android

Android là hệ điều hành chạy trên điện thoại di động được phát triển từ nhân Linux. Mang nhiều đặc tính đặc trưng của một hệ điều hành di động nhưng vẫn mang những tính chất chung của các hệ điều hành. Đầu tiên được ra đời bởi công ty liên hợp Android, sau đó được Google mua lại và phát triển từ nằm 2005 và trở thành một hệ điều hành di động mã nguồn mở, miễn phí, mạnh mẽ và được ưa chuộng cao trên thế giới.

Hệ điều hành Android là một hệ điều hành mạnh, có bảo mật cao, hỗ trợ được nhiều công nghệ tiên tiến như 3G, GPS, EDGE, Wifi…tương thích với nhiều phần cứng, hỗ trợ nhiều loại bộ nhập dữ liệu như keyboard, touch và trackball. Android là hệ điều hành di động nên có khả năng kết nối cao với các mạng không dây. Hỗ trợ công nghệ OpenGL nên có khả năng chơi các phương tiện media, hoạt hình cũng như trình diễn các khả năng đồ họa khác cực tốt, là tiền đề để phát triển các ứng dụng có giao diện phức tạp chẳng hạn như các trò chơi.
Android liên tục được phát triển, mỗi bản cập nhật từ Google là mỗi lần Android được tối ưu hóa để hoạt động tốt hơn, nhanh và ổn định hơn, hỗ trợ thêm công nghệ mới. Chẳng hạn như theo một đánh giá thì Android phiên bản Froyo 2.2 hoạt động nhanh hơn bản 2.1 tới 450%. Đến phiên bản GingerBread 2.3 (là phiên bản đang được sử dụng ở hầu hết các model điện thoại di động hiện nay) phát hành ngày 6/12/2010 và hiện tại phiên bản mới nhất là phiên bản 4.3.
Năm 2008, hệ điều hành Android đã chính thức mở toàn bộ mã nguồn, đã mang lại một luồng sinh khí mới trong việc phát triển hệ điều hành dành cho di động. Quan trọng hơn hết nó mang lại cho học sinh sinh viên chúng ta một cơ hội tuyệt vời để khám phá, học hỏi, và sáng tạo phần mềm trên hệ điều hành mới mẻ này.
Một lưu ý quan trọng nữa là HĐH Android rất phức tạp, phong phú, trong một vài bài báo khó có thể bao quát hết. Điểm quan trọng mà chúng tôi muốn mang lại cho các bạn là những khái niệm lập trình, tính toán di động để từ đó gợi mở cho các bạn những hướng đi thích hợp. Hãy cùng bắt đầu nhé.


II. Cài đặt các phiên bản Android khác nhau
Điểm tuyệt vời của Android là bạn có thể có được chiếc điện thoại mô phỏng với phiên bản hệ điều hành mới nhất, hiện đại nhất mà chưa có hãng phần cứng nào có cả. Bởi vì cá phiên bản Android mới nhất luôn được cập nhật tại website: http://developer.android.com

Để có thể sáng tạo phần mềm trên Android, ta cần phải tải về bộ công cụ phát triển tại website chính thức của Android. Khi vào trang này, bạn click vào button Get the SDK, click tiếp theo vào nút Download SDK Bundle for Windows( Linux hoặc Mac). File download sẽ có tên dạng như sau adt-bundle-Loại-HĐH-số hiệu.zip và kích thước khoảng 400MB.
Sau khi download, bạn chỉ việc giải nén file zip ra. Trong đó có 2 thư mục eclipse và sdk và một file SDK Manager. Bạn chạy file SDK Manager để tiến hành tải các phiên bản Android khác nhau để chuẩn bị môi trường lập trình (hình 1).

Hình 1. Giao diện chương trình SDK Manager
Các bạn sẽ thấy là hiện tại SDK chưa có phiên bản Android nào được cài đặt, ta phải chọn ít nhất 1 cái để bắt đầu phát triển phần mềm. Ví dụ phiên bản đầy đủ và mới nhất hiện tại là 4.2.2, bạn chọn toàn bộ để install. Ngoài ra có thể cuộn xuống phía dưới để tải về các phiên bản cũ hơn, chẳng hạn như 2.3.3. Sau khi chọn hoàn tất, bạn click vào nút Install n packages (n có thể thay đổi tuỳ theo số lượng bạn chọn). Lưu ý là không nên chọn hết, vì nó sẽ rất tốn thời gian và không gian lưu trữ mà trong quá trình học, ta sẽ không dùng hết.


Hình 2. Chấp nhận thông báo về bản quyền.


Sau khi click vào nút Install n packages, bạn sẽ thấy một thông báo hiện ra yêu cầu bạn chấp nhận/đồng ý với thông báo về bản quyền. Khi bạn đã đọc và thông hiểu thì chọn Accept License và click install để bắt đầu cài đặt. Quá trình cài đặt có thể diễn ra từ 15-20 phút đến hàng giờ tuỳ thuộc vào tốc độ kết nối Internet.


III. Tạo một điện thoại mô phỏng
Sau khi hoàn tất cài đặt các phiên bản hệ điều hành Android, cũng tại giao diện của SDK Manager, bạn click vào menu Tools để tiến hành chạy cái máy ảo mô phỏng điện thoại Android trên máy tính cá nhân của các bạn. Cái máy ảo này sẽ được dùng như một điện thoại thật để ta thử nghiệm các chương trình trên đó. Điều này thật là tuyệt phải không các bạn, nó giúp chúng ta tiết kiệm cả chục triệu đồng thay vì phải mua điện thoại thật để test.

Hình 3. Bắt đầu bước tạo điện thoại mô phỏng AVD – Android Virtual Device.



Bạn click vào Manage AVDs. Màn hình số 4 sẽ hiện ra
Hình 4. Màn hình quản lý các thiết bị ảo.


Tại màn hình này, cho phép bạn tạo ra rất nhiều chủng loại điện thoại, Tablet khác nhau chạy các hệ điều hành phiên bản khác nhau. Giả sử tôi tạo ra một chiếc điện thoại có tên là MyPhone, chạy phiên bản Android 4.2.2 có kích thước màn hình là 4 inches (hình 5).

Hình 5. Chọn cấu hình cho chiếc điện thoại ảo.


Sau khi click OK để hoàn tất, ta quay lại màn hình trước và sẽ thấy MyPhone xuất hiện trong AVDs (Hình 6). Tương tự như vậy các bạn có thể tạo một cái Tablet có tên MyTablet để phục vụ cho các bài giảng tiếp theo. Nhưng hiện tại chỉ cần MyPhone là đủ.

Hình 6. Màn hình quản lý AVDs khi đã có một vài thiết bị.



Đã đến lúc thật sự hào hứng, đó là ta sẽ bật cái điện thoại ảo lên xem nó như thế nào. Bạn hãy click vào nút start để bắt đầu. Một màn hình khởi động sẽ hiện lên như trong hình 7.
 Hình 7. Quá trình khởi động điện thoại ảo “MyPhone.



Hình 8. Giao diện của chiếc điện thoại Android phiên bản mới nhất.



Và đây là chiếc điên thoại Android có phiên bản mới nhất của các bạn đã hiện ra như thế này đây (hình 8). Bên trái là màn hình điện thoại, bên phải là mô phỏng phím phần cứng cơ bản của chiếc điện thoại. Bây giờ bạn hãy giành chút thì giờ dạo chơi trên chiếc điện thoại ảo này để cảm nhận vẻ đẹp của Android trước khi ta có thể làm nhiều điều thú vị hơn với nó.



IV. Chương trình đầu tiên “Hello World”
Bây giờ đã đến lúc ta làm một chương trình “nổi tiếng” đó là “Hello World”. Trong việc giới thiệu các nền tảng lập trình mới, người ta thường đưa ra 1 ví dụ rất đơn giản nhằm làm cho người đọc có thể tự học được. Và bài báo này cũng không ngoại lệ. Chương trình Hello World mặc dù đơn giản, nhưng nó giúp cho ta có thể hiểu và biết được phương pháp làm việc với Android.

Đầu tiên các bạn hãy chạy chương trình eclipse.exe nằm trong thư mục eclipse. Chương trình eclipse lúc khởi động sẽ có dạng như trong hình 9.


Hình 9. Chương trình Eclipse lúc khởi động





Hình 10. Chọn không gian làm việc.

Tiếp theo eclipse sẽ hỏi bạn chọn thư mục nơi mà các bạn sẽ lưu các projects của mình (hình 10). Để tạo project đầu tiên, các bạn vào menu, click vào New à Android Application Project (hình 11).
Hình 11. Khởi tạo Android project đầu tiên.


Sau khi click new Android Application Project, một cửa sổ mới sẽ hiện lên để cho chúng ta khai báo các thông tin về project như tên, package name và phiên bản HĐH mà ứng dụng ta sẽ chạy (hình 12). Ở đây, tôi đặt tên Project là XinChao
Hình 12. Lựa chọn cấu hình



Hình 13. Chọn các biểu tượng


Trong bước chọn icons (hình 13) ta không cần quan tâm nhiều ở giai đoạn đầu vì ta có thể quay lại chỉnh sửa nó sau. Điều quan trọng lúc này là ta muốn xem chương trình chúng ta sẽ chạy như thế nào thôi.
Hình 14. Khai báo Activity – Hoạt động.


Trên HĐH Android, mỗi chương trình chứa ít nhất một hoạt động gọi là Activity. Activity được xem như là một tác vụ đơn lẻ mà chương trình có thể thực hiện được dưới góc độ HĐH. Nó cho phép bạn tạo một cửa sổ ứng dụng và đặt các thành phần giao diện trong đó (Xem thêm tại http://developer.android.com/reference/android/app/Activity.html).

Hình 15. Khai báo tên của Activity.

Ở giai đoạn này, ta cũng chọn mặc định Click Next để đi tiếp (hình 15).
Hình 16. Giao diện chương trình Eclipse với project Hello World.

Và đây (hình 16), chương trình đầu tiên của chúng ta đã xuất hiện. Trước tiên, các bạn chưa cần quan tâm nhiều đến các chi tiết bên trong, điều nôn nóng của chúng ta sắp thành hiện thực. Đó là chạy chương trình đầu tiên.
Hãy click phím phải chuột vào biểu tượng folder xin chào ở ô của sổ bên trái, lúc này sẽ có một context menu hiện ra các bạn chọn Run As Android Application.

Nếu các bạn nhìn thấy chương trình chạy lên như hình 17, thì có nghĩa là các bạn đã hoàn thành tác vụ đầu tiên, quan trọng nhất trong cuộc hành trình đến với Android rồi đấy các bạn à.
Hình 17. Chương trình đầu tiên XinChao.

Thật ra, câu chào ở đây không phải là “Chào các bạn” mà nó mặc định sẽ là “Hello World”. Để có thể thay đổi câu chào, các bạn cần phải sửa tập tin res/values/string.xml với nội dung như trong hình 18 và sau đó chạy lại ứng dụng.

Hình 18. Tập tin XinChao/res/values/string.xml

Bây giờ bạn hãy dành ít phút để tìm hiểu Eclipse, một môi trường mà ta sẽ sử dụng xuyên suốt trong chuỗi bài học về Android này (Hình 19).
1. Cửa sổ màu xanh lá cây: thể hiện cấu trúc cây thư mục và các tập tin trong project.
2. Cửa sổ mày xanh dương: là màn làm việc chính dùng để soạn thảo chương trình, thay đổi giao diện.
3. Cửa sổ màu đỏ dùng để thể hiện các thông tin báo lỗi, hoặc debug
4. Cửa sổ màu vàng hiển thị các thuộc tính bên trong của một đối tượng.

Hình 19. 


V. Kết luận
Trong bài trình bày này, tôi đã giới thiệu đến với các bạn một nền tảng di động đang được phát triển rất mạnh mẽ và đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc phát triển điện thoại thông minh. Hơn bao giờ hết việc phát triển ứng dụng cho điện thoại trở nên dễ dàng và hào hứng như lúc này. Bài báo này cũng mang lại cho các bạn một bước khởi đầu thú vị đơn giản và có thể thực hành ngay.

HĐH Android đã mở ra một cơ hội tuyệt vời cho chúng thể hiện sức sáng tạo và trí tưởng tượng để dấn thân vào lĩnh vực di động vốn đầy tiềm năng và thử thách. Trong các bài tiếp theo, các bạn sẽ được hướng dẫn cách tạo những ứng dụng phức tạp hơn. Đồng thời cũng sẽ mang lại cho các bạn những gợi ý mang tính khái niệm để các bạn có thể tự mình sáng tạo ra những ứng dụng cho riêng mình.

Hẹn gặp các bạn ở kỳ tiếp theo.

Nhận xét