Review một paper như thế nào ?

Cuộc đời sang trang khi bạn đã thoát khỏi áp lực thesis để bước sang một ngưỡng mới đó là làm giám khảo đánh giá một bài báo. Viết bài báo đã khó, đánh giá bài báo còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, nhờ công lao của các tiền bối đi trước đã giúp cho ta biết được cách thức review [1,2,3].


Đối với những người mới chập chững vào nghề như tôi và nhiều bạn bè khác, việc review paper quả là 1 việc khó khăn. Vì sao vậy ? Vì đơn giản là các paper thường là 1 công trình mà nhóm tác giả đã dày công làm hàng năm trời, tháng trời, trong sự giới hạn của nhà xuất bản, họ chỉ được phép trình bày tối đa trong 8-10 trang cho hội nghị  hay 30-40 trang cho tạp chí thì việc reviewer hiểu và đánh giá bài báo đó chỉ trong 1-2 tháng quả là một việc đầy thách thức.

Quả thật, review 1 paper là 1 kỹ năng khó  và đòi hỏi phải rèn luyện nhiều. Mục tiêu của nó là [4]:
  • thông báo cho ban biên tập/ban tổ chức xem bài báo có phù hợp để  công bố hay không 
  • xác định bất kỳ lỗi nào xuất hiện trong paper hiện tại (kỹ thuật,  trình bày). Cho ý kiến ​​phản hồi để các tác giả để họ có thể cải thiện bài báo của họ
  • để xác nhận rằng theo ý kiến chủ quan ​​của bạn đây là bản gốc (không ăn cắp ý tưởng, và với kết quả chưa được công bố trước đây)
Điều quan trọng nhất của review paper theo tôi đó là ghi nhận một đóng góp của tác giả về một công việc nào đó để đóng góp cho cộng đồng khoa học, để từ đó, ý tưởng chính sẽ được làm luận cứ, tư liệu cho các công trình nghiên cứu của người đi sau. Do đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho người đi sau, các reviewer các tạp chí danh tiếng họ thường khắt khe khi tiếp nhận paper mới, bởi đơn giản, họ muốn gìn giữ và chọn lọc tri thức tốt đẹp cho lớp người kế tục.

Cấu trúc một bài review thường được chia làm 5 hoặc 7 phần tuỳ theo mức độ khó của tạp chí. Một trong những cách để tăng khả năng bài báo được chấp nhận, ta cũng cần phải biết reviewer đọc & đánh giá bài của bạn như thế nào. Đây là 1 template thông thường của 1 bài đánh giá bài báo:

1. Tổng kết lại bài báo bằng sự hiểu biết của chính bạn (trong vai trò reviewer).
Một lẽ đơn giản, bạn chưa hiểu bài báo viết gì thì sao bạn có thể review được. Bạn hãy trình bày tóm tắt nội dung bài báo dưới ngôn từ mà bạn hiểu.

2. Nội dung & Tính khoa học:
Để đánh giá mức độ khoa học của một bài báo cần có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Nhưng nhìn chung, bài báo sẽ được đánh giá dựa trên technical novelty. Nếu tính mới không tốt thì sẽ khó có cơ hội được chấp nhận ở các hội nghị đỉnh cao. Tôi sẽ có 1 bài chi tiết về vấn đề này.

3. Kỹ năng viết và trình bày
Đây cũng là phần các reviewer để ý nhiều nhất, vì nó là phần dễ phát hiện và dễ đánh giá nhất. Phần lớn các bài báo của sinh viên bị mắc các lỗi cơ bản sau:

  • Các tham khảo (references) đặt vào cho có, chứ không trích dẫn ở đâu trong toàn văn 
  • Lỗi MS Word: reference not found 
  • Bố cục không rõ ràng, trình bày lủng củng. Các section không mạch lạc ăn khớp với nhau. 
  • Không theo đúng format quy định của hội nghị 
  • Hình ảnh, bảng biểu không tên, không có chú thích, và đặc biệt là không có giải thích/đề cập đến trong toàn văn. Hãy nhớ một câu khẩu quyết thế này: nếu như 1 bức hình được chèn vào mà không đề cập đến nó thì liệu có cần sự hiện diện của bức hình đó không? Không nên để đọc giả tự hiểu và suy diễn bức hình ta chèn vào.   

4. Lỗi chính tả & ngữ pháp.
Đây cũng là điểm mà reviewer dễ bắt lỗi nhất. Đơn giản là nếu viết sai chính tả, sai ngữ pháp thì làm sao reviewer có thể hiểu đúng được ý của tác giả.

Bạn thử tưởng tượng rằng một bài báo đầy lỗi, sai ngữ pháp nếu được in trong 1 tạp chí thì sẽ làm tổn hại đến tạp chí đó biết dường nào. Cho nên các reviewer sẽ không thể chấp nhận một bài báo có quá nhiều lỗi.
 
5. Kết luận
Sau khi đã đọc, nhận xét các lỗi của bài báo. Đến lúc bạn phải tự trả lời các câu hỏi sau:
- Liệu bài báo mình đang review có thu hút được người nghe trong hội nghị hay không? Tại sao? Ai quan tâm?
- Hãy tự cân nhắc sự đánh giá của bạn.

6. Đánh giá chung
Cuối cùng reviewer cũng đi đến kết luận về bài báo này. Thông thường có mức sau:

Đối với bài báo hội nghị:

  • Tuyệt vời: đây là một trong những bài báo hay nhất mà tôi từng đọc. Best paper award ! 
  • Rất tốt: xem xét tham gia giải Best paper award !  
  • Tốt (sound paper): đề nghị chấp nhận 
  • Phân vân - Borderline: bài này cũng có thể được chấp nhận nếu còn chỗ trống 
  • Kém (Poor): Bài này kém quá, còn non nớt quá, tôi từ chối. Nhưng tôi không phải đối nếu reviewer khác chấp nhận. 
  • Không thể chấp nhận được: bài báo quá kém, tồi, thậm chí nguy hiểm và ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng này.  (Mong rằng các bạn không bị rơi vào trường hợp này khi gửi bài :-) 

7. Góp ý cho nhà xuất bản, ban biên tập  (Optional)
Ngoài ra, bạn có thể góp ý thêm cho ban biên tập về bài báo, cũng như là về cung cách tổ chức của hội nghị trong việc hỗ trợ các tác giả viết bài. Phần góp ý này thường trong các tạp chí lớn, trong hội nghị phần này ít có.

Tóm lại, việc review là một công việc "thiện nguyện" đóng góp cho cộng đồng khoa học. Bạn được mời làm reviewer là một vinh dự nhưng bạn cũng gánh trên vai một trọng trách to lớn đó là bảo vệ "tháp ngà tri thức" tránh lại bị hoen ố bởi những bài báo cẩu thả non nớt, nhưng đồng thời cũng chọn lọc những tinh hoa để góp phần phát triển và xây dựng tháp ngà đó trở nên lớn mạnh hơn, đẹp đẽ hơn.

Tài liệu tham khảo: 
  1. Parberry, I., A guide for new referees in theoretical computer science, SIGACT News, ACM, 1989, 20, 92-99  
  2. Cormode, G., How NOT to review a paper: the tools and techniques of the adversarial reviewer,  SIGMOD Rec., ACM, 2009, 37, 100-104 
  3. Benos, D. J.; Kirk, K. L. & Hall, J. E., How to review a paper, Advances in Physiology Education, 2003, 27, 47-52
  4. Hugh, D., How to review a paper: a guide for newcomers and refresher for the experienced, 2007, http://users.ecs.soton.ac.uk/hcd/reviewing.html  
  5. Để hiểu được review 1 paper quan trọng thế nào, và cộng đồng quan tâm ra sao, bạn hãy search google với từ khoá "how to review a paper" sẽ có đến 921 triệu kết quả trả về ! 


Nhận xét