Viết đồ án tốt nghiệp


Wow, cuối cùng thì các bạn cũng sắp sửa kết thúc 4-5 năm học ở mái trường đại học. Yeah !


Tuy nhiên, còn một công đoạn cuối cùng để có thể được tốt nghiệp là viết đồ án tốt nghiệp. 
Quả thật, viết đồ án là một việc khó khăn, và gian nan. Nó đòi hỏi ta phải đầu tư nhiều công sức để hoàn thành. 
Đồ án rất quan trọng, bởi vì: 
- Nó phải thể hiện được sự hiểu biết và kiến thức của ta về chuyên ngành ta đang học đáp ứng được chuẩn đầu ra của nhà trường. 
- Nó là một bài viết dài nhất trong cuộc đời đi học của ta từ trước đến giờ, là quyển sách sẽ được in bìa cứng đầu tiên, đứa con tinh thần đầu tiên của sinh viên. 
- Nó là cửa ải cuối cùng phải vượt qua để được tốt nghiệp (xét trong trường hợp SV của ĐH CNTT). 

Những điều trên, cho thấy ta cần phải có thời gian đầu tư xứng đáng cho nó để không bị những lỗi khó sữa chữa kịp. (Bút sa gà chết!) 

I. Phân biệt giữa đồ án tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp:
Ở một số trường đại học, chẳng hạn như ĐH CNTT (UIT), có sự khác biệt rất lớn giữa đồ án tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp: 
  • Khóa luận tốt nghiệp10 tín chỉ, làm trong 1 học kỳ: Nghiên cứu một vấn đề và hiện thực giải pháp hoặc sản phẩm. Vừa có lý thuyết, vừa có sản phẩm để demo. Nội dung viết khóa luận tôi đã trình bày trong bài trước [Xem link này]
  • Đồ án tốt nghiệp4 tín chỉ, làm trong 1 học kỳ: nghiên cứu, khảo sát lý thuyết một vấn đề, hiện thực một giải pháp (cấu hình mạng, sử dụng công cụ). Không đòi hỏi phải có sản phẩm demo (có thì tốt).
II. Đồ án tốt nghiệp là gì:
Thông thường đồ án tốt nghiệp là một bài viết khảo sát dài. Mục tiêu của nó là giúp người đọc có thể hiểu một cách khá chi tiết về một lĩnh vực nào đó. Đồng thời, đồ án có thể chỉ ra được những ưu nhược điểm của một vấn đề. Tuyệt vời hơn, đồ án có thể chỉ ra được những điều hạn chế mới mẻ chưa được ai khắc phục, chỉ ra được những hướng nghiên cứu mới mà các nhà khoa học có thể đầu tư nghiên cứu.  
Công dụng của một đồ án là gì: giúp người đọc, vốn chưa biết/chưa quen thuộc với lĩnh vực mà đồ án nghiên cứu, có thể hiểu được một cách khái quát về vấn đề. Mà không cần phải đọc các quyển sách khác. 
Ví dụ: Có hàng chục quyển sách, hàng trăm bài báo viết về hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hàng nghìn tài liệu viết về cách ứng dụng GPS vào một lĩnh vực cụ thể. Làm sao viết một đồ án tìm hiểu về GPS ứng dụng cho lãnh vực LBS (Location-based Services) để giúp người đọc có thể hiểu, lựa chọn công nghệ, và có thể an tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển ứng dụng. 

Nói một cách bình dân, đồ án tốt nghiệp là một tài liệu khảo sát một lĩnh vực nào đó, mà chỉ cần người đọc, đọc qua đồ án là có thể nắm bắt được và biết được nguồn gốc tài liệu, để khi cần biết thêm chi tiết là có thể tự tìm đọc được. 

Chính vì vậy, tuy đồ án không yêu cầu phải lập trình cái gì cả (hướng ngành CNTT), nhưng thực sự khối lượng công việc (đọc hiểu tài liệu) là không hề nhỏ! Nó đòi hỏi sự làm việc chuyên cần, cẩn thận và cộng với niềm say mê (không mê thì chẳng tài nào đọc nổi 3 trang tài liệu mà không rơi vào mộng mị... ). 

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày quá trình để tạo ra một đồ án tốt nghiệp tốt, các quy trình viết cũng như các kỹ thuật để viết. 

III. Quá trình viết đồ án
:
Theo tôi, quá trình viết có thể bao gồm 4 bước: 
            1) Đọc và ghi chú tài liệu 
            2) Sắp xếp dàn ý (mindmap) 
            3) Viết và trích dẫn 
            4) Quay lại bước (1)

3.1 Đọc và ghi chú tài liệu: 
Nguyên tắc đầu tiên: "Đọc mà không ghi chú, chỉ tổ tốn thời gian mà thôi !!!"
Bản chất của một đồ án là tìm hiểu, khảo sát một công nghệ, một vấn đề, nên việc đọc là phần chủ yếu của đồ án. 
Nhưng đọc xong phải ghi lại những ý chính. Mục tiêu của việc ghi chú là để tóm tắt 1 vấn đề theo cách hiểu của mình. Một bảng ghi chú đạt yêu cầu là thông qua việc đọc bảng ghi chú đó, các bạn sẽ không cần đọc lại nguyên tác mà vẫn có thể tóm tắt được ý chính của bản gốc. 
Có 3 loại tài liệu cần đọc: 
 1) Bài báo khoa học đăng tạp chí, 2) Bài báo khoa học đăng hội nghị, 3) Sách giáo khoa, sách tham khảo. 

Thông thường, các bài báo khoa học dù là tạp chí hay hội nghị chỉ nêu 1 đến 2 ý chính. Rất phù hợp để trích dẫn trong bài viết. Ví dụ: Weiser, 1991, đã khai sinh ra hướng ngành tính toán khắp mọi nơi [1]. 
[1] Weiser, M., The computer for the 21st century, Scientific American, 1991, 265, 66-75

Thông thường, có khác biệt cơ bản nhất của bài báo hội nghị và bài báo tạp chí là: chất lượng và độ tin cậy của bài báo đăng tạp chí cao hơn so với bài báo đăng hội nghị. Tất nhiên là cũng phụ thuộc vào độ tin cậy của tạp chí và hội nghị nữa. Tất cả chỉ mang tính tương đối. Các bài báo hội nghị sau khi trình bày, nhận góp ý, các tác giả có thể viết lên thành bài báo và gửi tạp chí. Hơn nữa, những nhà phản biện của tạp chí thường là những ngườii có uy tín trong ngành nên độ tin cậy sẽ cao hơn. 

Sách giáo khoa, sách tham khảo là tập hợp nhiều bài báo, nhiều phần của một lĩnh vực và nội dung rất rộng cho nên sẽ mất rất nhiều thời gian để đọc và ghi chú. Hơn nữa, nó cũng là sản phẩm xuất phát từ các bài báo được viết lại theo dạng giáo khoa để dễ hiểu và tập trung. 

Các tài liệu online, website, link, báo lá cải, nhật báo, wikipedia, chỉ mang tính chất tham khảo không nên đưa vào mục tài liệu tham khảo. Thậm chí một số trường ĐH lớn, không chấp nhận các tài liệu tham khảo dạng này. 

 
 2) Sắp xếp dàn ý (mindmap) 
 Sau khi đã đọc được một ít, điều tiếp theo là lập dàn ý để viết. Có phần mềm Freemind hỗ trợ các bạn làm dàn ý và sắp xếp bài viết rất hữu ích. (http://freemind.sourceforge.net/wiki/index.php/Main_Page
Một dàn ý tốt sẽ cho ra một bài viết tốt 
Các phần ghi chú ở bước 1) sẽ được đưa vào dàn ý này. 
Thông qua dàn ý, biểu đồ mindmap, các bạn sẽ rõ hơn về đồ án của mình. 
==> Giáo viên hướng dẫn có thể góp ý ngay từ lúc này. 

 3) Viết và trích dẫn 
Sau khi có dàn ý tốt, các bạn hãy bắt tay vào viết. Nói nôm na, dàn ý là phần khung xương, bây giờ là đến phần chúng ta đắp da thịt vào bộ xương đó để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. 
Nhưng khi viết, ta cần phải đưa những nội dung ta đã ghi chú trong phần đọc vào, và ghi trích dẫn rõ ràng. Để làm gì vậy ? 

Tại sao lại phải trích dẫn.  
  • Tôn trọng về bản quyền, tránh đạo văn
  • Dùng những ý kiến đã được chứng thực để bổ sung, làm mạnh lên chính kiến của mình. Thuyết phục người khác tin mình. Chứng tỏ rằng, tôi đang làm cái việc mà cũng có những người khác làm, chứ không phải là tôi tự chế. Đứng trên vai người khổng lồ.
Thực ra, trong cuộc sống, chúng ta dùng rất nhiều trích dẫn, đến mức hết sức tự nhiên mà ta không để ý. Đó là lý do tại sao người ta hay dùng ca dao, tục ngữ, những tri thức đã xác lập để bảo vệ chính kiến và thuyết phục người khác tin. 

Sai lầm thường thấy của SV ĐH CNTT: các tài liệu trích dẫn đa số là các sách giáo khoa hướng dẫn lập trình, trong khi các các tài liệu chuyên ngành về vấn đề mình đang nghiên cứu lại không có 

Có 1 bài viết rất hay của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (*) về cách viết báo cáo khoa học. Các bạn nên tham khảo thêm để biết cách viết.

4) Quay lại bước (1)
Trước khi quay lại bước 1, các bạn kiểm tra lại những gì đã viết, chỉnh sửa câu cú, citation, chính tả. 
Và tự thưởng cho mình một phần thưởng nho nhỏ vì những thành quả của mình đạt được từ bước 1 -> bước 3 :-) 

IV. Cấu trúc một đồ án:
Thực ra, không có một mẫu đồ án chuẩn, vì lĩnh vực nghiên cứu của mỗi đề tài sẽ rất khác nhau. Cấu trúc cũng sẽ rất linh họat 

Để cụ thể hóa, chúng ta xét ví dụ dưới đây để xem cấu trúc có những phần cơ bản: 
Ví dụ: Đồ án: Tìm hiểu Công Nghệ GPS ứng dụng trong Location-Based Services

Việc đầu tiên cần làm là phân tích các keywords trong tên đồ án (tô màu khác nhau). 
Toàn bộ đồ án sẽ là những phần chi tiết của các keywords này. 
Chẳng hạn như trong đồ án này " Tìm hiểu Công Nghệ GPS ứng dụng trong Location-Based Services." Người đọc sẽ cần biết GPS là gì, Location-Based Services là gì, và qua đó GPS hỗ trợ thế nào cho LBS. Các ứng dụng có thể có của LBS với sự trợ giúp của GPS.

Qua đó, ta có thể cấu trúc 1 đồ án như sau:  
Chương 1: Giới thiệu 
Chương 2: Khảo sát lý thuyết (literature review) 
Chương ...
Chương n-1: Thảo luận & đánh giá 
Chương n: Kết luận 
Giám khảo, phản biện sẽ đọc Chương 1 và Chương kết luận đầu tiên. Đó cũng chính là lý do ta cần phải đầu tư thật nghiêm túc 2 chương này. Để nguời đọc có thể hiểu được ta muốn viết gì. 
Từ chương 3 trở đi, các bạn tự thiết kế nội dung xoay quanh các vấn đề để giải thích cho keywords đã phân tích và tập trung làm rõ đề tài.

Chương n-1: Thảo luận & đánh giá: Quan trọng, đây là chương mà công sức của bạn sẽ được giáo viên chấm điểm ở đây !  
Vì sao: Khi đã đọc được rất nhiều sách vở, trình bày từ chương 1 đến chương n-2, chương n-1 là chương mà bạn nêu lên chính kiến của mình, hoặc đánh giá của mình (dựa trên các tài liệu thu thập được). Các bạn phát hiện được những ưu nhược nào của vấn đề, các lỗ hổng lớn nào cần phải được xử lý (không cần bạn phải xử lý, hoặc đưa ra giải pháp). 
Nên có những bản so sánh để đánh giá. 

Chương kết luận: Rất quan trọng: nó chốt lại những gì các bạn đã tìm hiểu, cho ra những kết luận quan trọng, và tóm gọn luận văn. 
Ví dụ: 
Đề tài đã tìm hiểu về GPS  và LBS ở những khía cạnh: 1,2,3,..... 

Chúng tôi nhận thấy rằng, GPS rất quan trọng và hữu ích cho LBS vì những lý do sau: i).... ii)..., iii)...., iv) ..... 
Tuy nhiên, LBS đòi hỏi những yếu tố 1)...., 2)...., 3)..... mà GPS có những hạn chế. Qua đó ta thấy để đáp ứng được những nhu cầu nâng cao của LBS, cần phải có những cải tiến x,y,z... 
Tóm lại, kỹ thuật GPS là một thành phần không thể thiếu cho LBS.... 

IV. Kỷ luật viết & Nguyên tắc 2 giờ vàng:
Mặc dù việc viết bài ngày nay đã đựơc hỗ trợ rất nhiều từ máy tính, word processors, máy in... Tuy nhiên, nếu bạn không bắt tay vào viết thì Đồ Án sẽ không bao giờ được hoàn thành. 
Việc viết đồ án đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán và kỷ luật. Con người rất dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh, nên việc ngồi tập trung 2h để viết là 1 việc vô cùng gian khổ! 
Ví dụ: 
Khi đang ngồi trong thư viện viết bài, tự dưng sực nhớ là chiều nay bạn mình hẹn đi uống cafe mà chưa tìm ra quán, lập tức gọi điện hẹn hò, chọn quán, ==> Quên mất việc chính là viết bài, khi quay lại viết thì hết cảm hứng, lại phải tốn thời gian tập trung. 
Đang viết bài sực nhớ là ngày mai là sinh nhật bạn mình, phải gửi mail, nhắn tin chúc mừng nó.==> Việc chính lại bị gặm mất một ít thời gian và nguồn cảm hứng. ... Mãi loay hoay với các "tạp niệm" thì nhìn đồng hồ đã là 11h trưa, thôi gói ghém lại để đi ăn trưa. Ăn xong ngủ trưa 1 giấc đến 2h. Lúc đó trời nắng nóng quá, khó tập trung, lên mạng chat chít, đến 4h, sắp đến giờ về, thôi để tối viết vậy! Thế là hết 1 ngày không viết được chữ nào. 

Nguyên tắc 2 giờ vàngMột người làm việc trí óc có thể tập trung và làm việc hiệu quả nhất trong từng khoảng thời gian là 2 tiếng. Cho nên khi bắt tay vào viết, bạn phải chuẩn bị cho mình 2h rảnh, không được đi đâu hết. Không được phân tán, đi đây đó, nghe điện thoại, nấu ăn, chat chit, lướt web, hoặc vào facebook !!!  
Một khi có một "tạp niệm" khởi lên, bạn đừng làm ngay theo sự dẫn dắt của nó, mà chỉ cần hỏi 1 câu: việc chính của mình lúc này đang làm gì ? Đang viết bài àh, thì hãy bỏ qua tạp niệm đó, đừng để nó dẫn dắt, quay lại viết bài đi ! 

Đây là một việc khó, cần phải rèn luyện.

V. Vai trò của giáo viên hướng dẫn (GVHD): 
5.1. Các sai lầm thường thấy của sinh viên khi bỏ qua vai trò của GVHD: 
Một trong những sai lầm lớn nhất của các sinh viên là không tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn. Cứ lầm lũi, cặm cuội viết hết ngày này qua tháng nọ đến còn 3 ngày nữa hết hạn nộp đồ án mới chạy đến nhờ giáo viên hướng dẫn xem, góp ý và ký xác nhận cho nộp ! 
==> Giáo viên hướng dẫn lúc đó cũng bó tay luôn, không tài nào sửa chữa, góp ý kịp một công trình  mà các bạn đã làm trong vòng sáu tháng ! 

Sai lầm thứ 2, do đồ án là tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ, mà việc đọc tài liệu là chính sẽ dẫn đến tình trạng là không biết đọc bao nhiêu sách thì đủ, bỏ cái nào, viết cái nào, hay là viết hết. Đồ án sẽ trở thành 1 bách khoa toàn thư và sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi (mission impossible) 

5.2. Vai trò của GVHD:
GVHD là người có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, và đã trải qua hết các giai đoạn mà các bạn đã và đang trải qua. Cho nên phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi (trực tiếp hay qua email) với GVHD để có được góp ý kịp thời. 

GVHD không phải là người nghe, nói, đọc, viết thay cho các bạn, nhưng sẽ là người định hướng để các bạn có thể tự mình tìm ra con đường của mình thông qua việc cung cấp tài liệu, chỉ sách cho đọc, và qua các buổi gặp mặt, thảo luận trực tiếp. Thông thường đối với tôi, khi các bạn mới bắt tay vào làm đồ án, thì mỗi tuần nên gặp GVHD 1 lần. Sau khoảng 3-4 tháng thì thời gian có thễ giãn cách ra. Tuy nhiên, GVHD cũng bận rộn với công tác giảng dạy, nghiên cứu, các bạn phải giới hạn thời gian cho mỗi lần gặp gỡ, ví dụ mỗi lần 45phút-60phút, để cũng tập kỹ năng quản lý thời gian và trình bày trong một khoản thời gian cho phép. 

GVHD là người biết tầm vóc của vấn đề các bạn đang nghiên cứu và nắm rõ chuẩn đầu ra của trường. Cho nên việc trao đổi thường xuyên sẽ giúp các bạn hoàn thiện đồ án không ở mức quá sơ sài, cũng như không phải là xây dựng bách khoa toàn thư. 

VI. Kết luận: 
Tóm lại, viết đồ án là việc gian nan nhưng không kém phần thú vị, vì khi viết được, có nghĩa là bạn đã hiểu được. Nó là cửa ải cuối cùng để bạn có thể tốt nghiệp trường ĐH và bước vào trường đời. Tác phẩm đồ án sẽ là tác phẩm lưu dấu ấn lớn nhất của đời học hành của các bạn. Hãy dành thời gian cho nó, để nó trở thành 1 niềm tự hào khi ta giới thiệu với bạn bè, người thân. 


Nhận xét

Đăng nhận xét